Đề án “Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 8/2014, nhưng phải 6 tháng sau, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) mới có công bố kế hoạch triển khai thực hiện đến các đơn vị. Còn chưa đầy 5 năm kể từ nay đến hết năm 2020, với một danh sách các công việc được liệt kê trong quy hoạch, liệu có khả thi? Cảnh trong vở kịch “Biến dạng” của Nhà hát Tuổi trẻ. |
Quy hoạch đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng: Phát triển nghệ thuật biểu diễn theo định hướng ưu tiên đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới...; rà soát nâng cấp, cải tạo một số nhà hát đang xuống cấp tại các địa phương, trong đó tập trung đầu tư nâng cấp và trang bị một hệ thống phương tiện kỹ thuật phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước; sắp xếp lại tổ chức các đơn vị nghệ thuật công lập theo hướng tinh gọn, từng bước nâng cao năng lực tổ chức biểu diễn nghệ thuật; đào tạo phát triển nhân lực ngành nghệ thuật biểu diễn có năng lực sáng tạo, bảo đảm cân đối về các chuyên ngành theo nhu cầu của xã hội...; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nghệ thuật biểu diễn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực...
Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch của Bộ VHTTDL cũng có nhiều điểm quan trọng như xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn; sửa đổi, bổ sung Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; xây dựng, sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/2013/ TT- BVHTTDL; xây dựng Thông tư hướng dẫn việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; đề án đào tạo đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế cận cho các loại hình nghệ thuật truyền thống...
Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, ngành nghệ thuật biểu diễn phải thực hiện 17 đề án lớn, đó là chưa kể đến những đề án đang triển khai không đưa vào. Nói đến con số này, ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng phải thừa nhận, khối lượng công việc này là quá nhiều. Trong khi đó, có những nội dung trong quy hoạch vừa ban hành đã trở nên lỗi thời. Điển hình như nội dung về chế độ nhuận bút cho các tác phẩm nghệ thuật. Kế hoạch thực hiện quy hoạch đến trung tuần tháng 4/2015 mới được công bố và triển khai đến các đơn vị, thì Nghị định mới quy định về chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm nghệ thuật đã ban hành từ tháng 2/2015. Luật Nghệ thuật biểu diễn được giới trong nghề mong chờ từ rất lâu, nhưng dự kiến phải đến năm 2017 mới có thể hoàn thành, chưa kể còn phải triển khai, phổ biến, xây dựng thông tư hướng dẫn... Và với tiến độ “rùa bò” ở nhiều khâu như hiện nay, không ít người đặt câu hỏi liệu đến hết năm 2020, Luật này đã có thể chưa đi vào cuộc sống?!
Nhiều nhà quản lý văn hóa địa phương, lãnh đạo các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật đều chung ý kiến, nếu những đề án trong quy hoạch được thực hiện bài bản, sẽ giúp nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, mục tiêu và điều kiện thực hiện thì còn rất chênh vênh. NSƯT Nguyễn Xuân Vinh, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam bày tỏ: “Quy hoạch thì hấp dẫn đấy, nhưng xin hãy biến giấc mơ thành hiện thực!”. Ông Vinh nêu ví dụ, suốt bao nhiêu năm qua, nhà hát Cải lương Việt Nam không có nhà để... hát. Lãnh đạo nhà hát đã lên tiếng nhiều lần, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nói đã vào cuộc, nhưng đến nay, sau hàng chục năm vẫn chưa có gì.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam nhận định, quy hoạch lần này có nhiều cái mới, đánh giá được tiềm năng phát triển của khu vực, vùng miền. Tuy nhiên, quy hoạch lần này đang có mấy vấn đề hạn chế, gây bất cập khi thực hiện, đó là thời gian xây dựng quy hoạch và thời gian thực hiện giải pháp chưa cụ thể hóa và kéo quá dài. Đơn cử, với đề án hỗ trợ ngân sách cho sáng tác tác phẩm chất lượng cao phải đến năm 2019 mới xong. Từ 2015-2018 xây dựng được đề án cơ chế đãi ngộ cho nghệ sỹ… như vậy là quá lâu với đặc thù làm nghệ thuật.
Giới nghệ sỹ, quản lý văn hóa mong chờ quy hoạch này từ lâu, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, với những “bộn bề” nêu trên, việc quy hoạch có thể sẽ chỉ nằm trên giấy đã được nhiều người lo ngại đặt ra.
P.V