Bữa tiệc về chầu văn của Hà Nội

Mặc dù trời mưa to, nhưng sáng 25/9, Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất năm 2013, vẫn diễn ra trang trọng tại đền Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội.

 

Phần trình diễn tham dự liên hoan của thanh đồng Hoàng Việt Hải tại đền Kim Giang (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

 

Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất năm 2013, được tổ chức nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc kiểm kê, lập hồ sơ trình Chính phủ, công nhận Nghi lễ Chầu văn của người Việt là di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và trình tổ chức UNESCO Thế giới, công nhận Nghi lễ Chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là dịp để Hà Nội kiểm kê lại tài sản chầu văn của mình và bước đầu tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể chầu văn trên địa bàn thành phố.


Góp mặt trong Liên hoan là các nhóm chầu văn đang hoạt động tại 29 quận, huyện thuộc địa phận thủ đô, như: Long Biên, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Vì, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Trì, Hà Đông, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình… Các nhóm được chia thành 4 cụm trình diễn. Tại đền Kim Giang là nơi trình diễn của các nhóm chầu văn thuộc cụm 2, bao gồm: quận Thanh Xuân, thị xã Sơn Tây, huyện Đông Anh, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng. Còn các đơn vị khác thuộc các cụm 1, 3, 4 lần lượt trình diễn tại đền Lâm Du, (phường Bồ Đề, quận Long Biên), đền Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) và đền Cây Quế (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy).


Tham gia Liên hoan, mỗi thanh đồng trình diễn một giá Nam thần và một giá Nữ thần trong thời gian 40 phút. Trong không gian diễn xướng mang đậm tính tâm linh, các thanh đồng đã hóa thân các vị thánh với những màn múa, màn biểu diễn đạo cụ độc đáo, trên nền nhạc hát văn rất đặc trưng. Thanh đồng Đặng Thị Ngát, đến từ thị xã Sơn Tây, phấn khởi bày tỏ: “Tôi rất vui mừng vì thành phố Hà Nội đã quan tâm tới chầu văn, tổ chức liên hoan này để những người như chúng tôi được thỏa tâm nguyện”. Không chỉ trình diễn khắp trong Nam, ngoài Bắc, thanh đồng Đặng Thị Ngát đã từng đưa nghi lễ chầu văn đến với bạn bè thế giới nhằm giới thiệu về văn hóa truyền thống Việt Nam.Vì vậy, bà rất mong muốn nghi lễ này sớm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa nhân loại.


Chầu văn là nghi lễ gắn liền với tín ngưỡng tam phủ, tứ phủ, ra đời cách đây trên 500 năm. Hát văn và hầu đồng vốn gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng trong đời sống hiện nay, hát văn đã trở thành loại hình văn hóa truyền thống của cộng đồng, thậm chí còn được sân khấu hóa. Nhưng cũng có trường hợp một số đền, phủ đã lợi dụng hình thức chầu văn để kinh doanh, làm biến dạng nét đẹp của loại hình này. Chính bởi vậy, việc Hà Nội tổ chức Liên hoan thực sự là một "định hướng" đúng để đưa chầu văn thực sự trở thành một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, như ông Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, khẳng định: “Ngành văn hóa cần đóng góp ý kiến, hướng dẫn để văn hóa chầu văn thực sự là văn hóa lành mạnh, đặc sắc”.

 

Liên hoan chia làm 2 đợt. Đợt 1 dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 25 - 30/9/2013 tại 4 cụm. Đợt 2, BTC sẽ chọn 10 nhóm chầu văn tiêu biểu của thành phố Hà Nội tham gia chương trình. Dự kiến diễn ra từ ngày 4- 5/10/2013 tại rạp Công nhân, số 42 Tràng Tiền, Hà Nội. Trong đợt 2 này, Ban tổ chức cũng sẽ làm một buổi tọa đàm "Bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của Nghi lễ chầu văn trong đời sống đương đại". Trong chuỗi chương trình còn có các hoạt động liền kề, sẽ được tổ chức liên tiếp từ nay đến 10/10 như: Triển lãm "Tàu điện Hà Nội quá khứ và tương lai"; cuộc thi nhảy tập thể "Tôi yêu Hà Nội", chương trình cộng đồng "Hà Nội đẹp và chưa đẹp"...


Đinh Thị Thuận - A.M

Liên hoan hát văn, hát chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng

Liên hoan hát văn, hát chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2013 diễn ra từ 24 - 25/3 tại thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN