Triển lãm trưng bày, giới thiệu 80 hình ảnh và hơn 200 đầu sách báo, tài liệu phản ánh bối cảnh ra đời, quá trình vận động và phát triển của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, những hình ảnh hoạt động, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật, của tỉnh Cà Mau và cả nước. Đây cũng là dịp đẩy mạnh truyền, giới thiệu những tư liệu hình ảnh, đầu sách báo có giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, giúp họ hiểu rõ, sâu sắc hơn về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh, trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, văn hóa luôn là mạch nguồn của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng độc lập tự do. Yếu tố nội sinh đó đã gắn kết cộng đồng, tạo nên hệ giá trị, bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam. Đó là tinh thần không khuất phục trước cường quyền bạo lực, tinh thần yêu nước nồng nàn, tính nhân văn sâu sắc và những phong tục, tập quán, lễ hội để từ đó, hun đúc, kết tinh những nét đặc sắc của tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” cho thấy, Đảng, Bác Hồ rất coi trọng vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của dân tộc và sự nghiệp cách mạng. Những quan điểm quan trọng về văn hóa được Đảng ta thể hiện trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu của các giai đoạn cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, văn hóa Việt Nam thắp lên ngọn lửa truyền thống, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạnh với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “ lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành”...
Theo dòng chảy của tiến trình lịch sử, từ mảnh đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc, hình ảnh thầy giáo Phan Ngọc Hiển với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai thắng lợi mở đầu cho giai đoạn cách mạng mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cà Mau tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Hòa mình vào khí thế đó, văn học nghệ thuật đã trở thành vũ khí sắc bén để tuyên truyền, động viên, thổi bùng tinh thần yêu nước. Những tác phẩm văn học nghệ thuật đã thực hiện rất tốt sứ mạng lịch sử của mình, để lại dấu ấn đặc biệt cho độc giả, khán giả về mảnh đất xa xôi phương Nam như: "Hương rừng Cà Mau" (Sơn Nam), "Thư Cà Mau" (Anh Đức), "Đất rừng phương Nam" (Đoàn Giỏi), "Trường ca Hòn Khoai" (Nguyễn Bá)... Bên cạnh đó, Đoàn văn công giải phóng Cà Mau, Đội Chiếu bóng Cà Mau Ninh Bình; điện ảnh, nhiếp ảnh Khu Tây Nam Bộ...trở thành lực lượng hùng hậu trên mặt trận văn hóa kháng chiến của Cà Mau và cả nước.
Sự kiện hôm nay tiếp tục khẳng định thành quả, những giá trị lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử và văn hoá của quê hương, đất nước; khơi dậy quyết tâm chính trị trong cán bộ, đảng viên, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ quán triệt sâu sắc, toàn diện về tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Đồng thời tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước’. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau chia sẻ.
Sau lễ khai mạc, hàng trăm cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là học sinh và thầy cô giáo trên địa bàn thành phố Cà Mau đã đến tham quan khu triển lãm giới thiệu hình ảnh tư liệu, hiện vật, sách báo (tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, đường Lê Duẩn, Phường 1, thành phố Cà Mau), với chủ đề 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023).