Thiếu kinh phí đầu tư vận hành
TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều bảo tàng, song một số bảo tàng tại không có nhiều khách đến tham quan dù sở hữu số hiện vật đa dạng. Một thực tế khác là dù sống ở những đô thị lớn, người dân vẫn không mấy mặn mà và chưa có thói quen tham quan bảo tàng.
Hơn một tháng hoạt động trở lại sau khi TP Hồ Chí Minh dỡ bỏ giãn cách xã hội, các bảo tàng tại thành phố còn thưa thớt khách tham quan, chủ yếu là đội ngũ y, bác sỹ, quân nhân và tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch. Một số cơ sở như Bảo tàng Địa chất TP Hồ Chí Minh dù tọa lạc ngay vị trí trung tâm thành phố (Quận 1), là nơi lưu giữ hàng chục ngàn mẫu đá, các lõi khoan cùng nhiều sưu tập mẫu khoáng sản… thì vẫn chỉ là điểm dừng chân, tham quan của du khách nước ngoài, khách trong nước tới đây rất ít.
Đại diện một giám đốc bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, lâu nay, đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa có nhiều hoạt động quảng bá hoặc xây dựng chương trình dành riêng cho lĩnh vực bảo tàng, thu hút sự quan tâm của công chúng. Sau khi thành phố nới lỏng các biện pháp chống dịch, một số địa điểm vui chơi, địa điểm tham quan đã được phép đón khách trở lại nhưng số lượng khách tới bảo tàng còn thưa thớt để cơ sở có thể duy trì hoạt động, nhất là ở bảo tàng công lập. Đây là giai đoạn gần như xoay hướng nào cũng khó khăn, cần sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn từ đơn vị chủ quản.
Trong bối cảnh khó khăn, để quảng bá và thu hút khách, ứng dụng công nghệ đang là giải pháp mà Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh lựa chọn. Triển khai thử nghiệm từ tháng 6/2021, dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” của đơn vị này có mục đích phục vụ đối tượng khách tham quan từ xa. Khi các ứng dụng, phần mềm công nghệ hỗ trợ ngày càng nhiều, việc xây dựng fanpage, website hay bảo tàng ảo không còn quá khó khăn. Tuy nhiên, câu chuyện đường dài để duy trì và phát triển “bảo tàng ảo” không dễ.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, cho biết, có nhiều giải pháp kỹ thuật để xây dựng “bảo tàng ảo”, tùy theo phương án, thiết kế và đối tượng công chúng mà bảo tàng hướng đến. Khó khăn hiện nay của các bảo tàng không phải ở trong vấn đề công nghệ mà là ở kinh phí đầu tư vận hành, bảo trì giải pháp công nghệ cũng như nhân lực, trang thiết bị kèm theo. Hiện tại, dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” của Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình thử nghiệm và được tài trợ đến cuối tháng 12/2021.
“Chúng tôi một mặt tiếp tục kêu gọi tài trợ, mặt khác tìm kiếm các giải pháp mang tính khả thi trong điều kiện khó khăn về kinh phí hoạt động cũng như đề xuất dự án “bảo tàng ảo” trong tương lai”, ông Hoàng Anh Tuấn nói.
Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài Việt Nam (phường Long Phước, thành phố Thủ Đức), hệ lụy của dịch COVID-19 còn kéo dài ở những năm tiếp theo, việc khách tham quan quay trở lại như lúc trước khi có dịch còn mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách tham quan đã có những sự thay đổi rõ rệt, đòi hỏi cao hơn. Họ không chỉ đến các di tích để tham quan, chiêm ngưỡng giá trị vật thể mà còn muốn tìm hiểu giá trị văn hóa, phi vật thể. Theo đó, mỗi bảo tàng cần xây dựng chính sách công chúng sao cho thật hấp dẫn để mỗi độ tuổi khách tham quan đều có thể tiếp cận giá trị của di tích thông qua sản phẩm, hoạt động cụ thể có như vậy mới thu hút du khách hào hứng quay trở lại nhiều lần.
Xây dựng bản sắc và chiến lược phù hợp
Theo các chuyên gia, để giải bài toán “vắng như bảo tàng”, việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày, thiết kế chính sách công chúng phù hợp, hấp dẫn, xây dựng “bảo tàng ảo” để tăng tương tác với khách, thích nghi với tình hình dịch bệnh là điều hiển nhiên. Thế nhưng, hình thức này cần có sự vào cuộc của các đơn vị quản lý.
Thạc sỹ Phạm Lan Hương, giảng viên Khoa Di sản văn hóa (Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh), cho rằng ở đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, nơi có số lượng bảo tàng nhiều nhất nhì cả nước, việc “đổi mới bảo tàng” hay hướng đến “bảo tàng ảo” vẫn chỉ dừng ở mức thử nghiệm. Theo đó, để có được “bảo tàng ảo”, bản thân “bảo tàng thật” cần thực hiện tốt, mới có cơ sở để tạo ra phiên bản ảo.
Thực tế, có bảo tàng đã ứng dụng công nghệ vào trưng bày, thử nghiệm trưng bày trực tuyến nhưng nhiều khách chưa quan tâm, đội ngũ nhân sự bảo tàng hiện nay chưa nhạy bén với việc ứng dụng công nghệ. Vì vậy, trước khi bàn đến kinh phí cụ thể để nâng cấp, thay đổi bảo tàng hay ứng dụng công nghệ vào trưng bày… thì bản thân các bảo tàng cần thay đổi về mặt tư duy tổ chức, tiếp cận công chúng. Bởi ngay chính kênh tương tác là website của bảo tàng, nhiều nơi còn bị bỏ lơ. Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày những gì mình có mà cần hiểu khách “cần gì, muốn gì” khi đến với bảo tàng.
Đồng quan điểm, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TP Hồ Chí Minh, cho rằng hoạt động của các bảo tàng thành phố hiện nay cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ và các bảo tàng cần xác định bản sắc, chiến lược tốt hơn. Để thu hút khách tham quan và trở thành điểm đến hấp dẫn, các bảo tàng trên địa bàn thành phố cần tăng cường tương tác - tương tác giữa bảo tàng với sự đa dạng đối tượng công chúng, với các cộng đồng; tương tác giữa cán bộ, nhân viên bảo tàng với khách tham quan; tương tác giữa khách tham quan với khách tham quan...
Để kịp thời thích nghi, Bảo tàng Áo Dài Việt Nam đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, linh hoạt thay đổi phương thức tiếp cận công chúng cũng như có những sản phẩm văn hóa phù hợp thích ứng với tình hình mới. Nhân kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11), kỷ niệm 7 năm ngày dân ca, ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đơn vị này đang tổ chức Ngày hội di sản với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng. Đây là chuỗi hoạt động cộng đồng đầu tiên của Bảo tàng Áo dài Việt Nam, góp phần cùng thành phố kích cầu du lịch nội địa.
Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, điểm nhấn của ngày hội là phần giao lưu, trình diễn dân ca, ví giặm, quan họ, đờn ca tài tử... giúp khán giả, nhất là khán giả trẻ, hiểu hơn về các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Với sự trở lại lần này, Bảo tàng Áo Dài Việt Nam muốn tiếp tục duy trì cách thức tạo không gian tương tác mà vẫn đảm bảo mức độ an toàn theo quy định phòng, chống dịch.
Cùng với đó, bảo tàng đang làm chú thích câu chuyện cho hiện vật trưng bày được kỹ càng hơn để khách có thể tự theo dõi, tìm hiểu mà không cần thuyết minh viên, đồng thời phát thông tin thuyết minh qua hệ thống loa… nhằm hạn chế việc tiếp xúc giữa người nói và người nghe.
Song song đó, giữa tháng 11/2021, đơn vị vừa đưa vào trưng bày triển lãm chuyên đề “Đường kim mũi chỉ”, dự tính tổ chức những chương trình biểu diễn các loại hình di sản phi vật thể trên sân khấu nổi, tái hiện không gian “Chợ quê”... Theo đó, các hoạt động này được tổ chức riêng lẻ ở nhiều địa điểm tránh tập trung đông người, đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch.
Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam cho rằng Việt Nam tự hào là đất nước có nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc mang văn hóa của quê hương đến những nơi mình sinh sống, lan tỏa tới lớp trẻ để gìn giữ hồn thiêng, tâm tư, tình cảm của cha ông để lại không chỉ là trách nhiệm của mỗi nghệ nhân mà còn của mọi công dân nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhân dịp này, Bảo tàng Áo dài Việt Nam tổ chức tiếp nhận hiện vật là áo dài của các nhà giáo, nhà hoạt động văn hóa có nhiều đóng góp cho xã hội như bộ áo dài của Tiến sỹ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, của nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh Mã Thanh Cao,...