Trước đó, mặc dù được phép hoạt động trở lại từ tháng 10/2021 nhưng không khí của các sân khấu kịch tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn ảm đạm, không một đơn vị nào bán vé, sáng đèn bởi còn lo ngại dịch bệnh và gặp rào cản trong quy định về giới hạn số lượng người tham dự trong một suất diễn.
Đến nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, UBND TP Hồ Chí Minh nới lỏng các quy định, mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 3 cũng đang được triển khai và đặc biệt là Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tại TP Hồ Chí Minh đang được tổ chức đã tạo nên “cú hích” để các sân khấu sáng đèn phục vụ khán giả trở lại.
Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi bày tỏ sự vui mừng khi một số vở diễn được đầu tư chăm chút từ Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc đã nhận được sự ủng hộ lớn từ công chúng. Bên cạnh đó, các suất diễn tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đã bán hết vé chỉ trong 1 ngày, có đơn vị đã bán hết 200 vé chỉ sau 4 giờ đăng thông báo. Điều này khẳng định khán giả đã sẵn sàng quay trở lại với sân khấu. Sau khi Liên hoan kết thúc, đơn vị này sẽ lên kế hoạch cho các suất diễn Tết Nguyên đán từ mùng 1 đến mùng 5 Tết.
Là sàn diễn duy nhất “sáng đèn” trước Tết, Sân khấu Kịch Idecaf tiên phong khi thông báo sẽ diễn 3 vở như “Mưu bà tú” vào ngày 26/1, “Ngũ quý kỳ phùng” công chiếu vào ngày 27/1 và ngày 28/1 là vở “Ngôi nhà không có đàn ông”.
Còn Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh dự định chọn mùng 1 Tết (tức ngày 1/2) để mở cửa với những vở diễn đặc sắc như “Rồi mắc cái gì cười”, “Tía ơi, con lấy chồng”, “Tin thì linh mà không tin cũng linh”…
Theo Nghệ sỹ ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh, dịp Tết Nguyên đán năm nay, đa số người dân sẽ ít chọn đi chơi xa mà sẽ đón Tết ngay tại thành phố. Vì vậy, chị cùng các văn, nghệ sỹ đều mong muốn các tiết mục phải thật chỉn chu nhằm mang đến những món ăn tinh thần thú vị, đặc biệt là những tiếng cười cho khán giả trong dịp đầu xuân.
Tương tự, Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân, Giám đốc hai Sân khấu Kịch Hồng Vân và Phú Nhuận cho biết, các văn, nghệ sỹ của đoàn kịch cũng đang tất bật tập luyện cho 2 vở diễn là “Ngã rẽ” và “Ngôi nhà trên thuyền”. Đây cũng là hai vở diễn mà Sân khấu Kịch Hồng Vân dự kiến sẽ đưa vào lịch diễn Tết Nguyên đán từ ngày mùng 1 đến mùng 7 Tết. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng dự định sẽ diễn lại thêm một số vở của Tết năm ngoái do đã lên lịch nhưng chưa có cơ hội được công diễn tới khán giả.
Bên cạnh các sân khấu kịch như Sân khấu Sài Gòn Phẳng - Thế Giới Trẻ, Sân khấu kịch Hồng Vân và Phú Nhuận, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh, các sân khấu cải lương cũng có vài tín hiệu vui. Sân khấu Chí Linh - Vân Hà đang chuẩn bị vở “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”, dự kiến ra mắt vào ngày 12/2, tại Nhà hát Thành phố. Sân khấu Sen Việt của đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Lê Nguyên Đạt diễn lại vở “Nhật thực”. Đoàn tuồng cổ Huỳnh Long cũng có “Tái sanh duyên”, dự kiến công diễn vào ngày 8-9/2.
Theo Nghệ sỹ ưu tú Lê Trung Thảo, Phó Trưởng Phòng Nghệ thuật, Biểu diễn, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, dịp Tết năm nay, nhà hát dự định diễn các vở được tái dựng như “Người yêu đảo chúa”, “Đứa con họ Triệu”… Nghệ sỹ ưu tú Lê Trung Thảo cho rằng, dù mùa Tết ai cũng mong mang đến những điều mới mẻ cho khán giả, nhưng việc dựng vở mới trong thời điểm này là bất khả thi đối với các sân khấu. Do đó, việc lựa chọn vở cũ là phương án an toàn trong bối cảnh hiện tại xét trên nhiều mặt. Đa số là các vở diễn đã từng được khán giả yêu thích nên các sân khấu có thể an tâm khi trở lại.
Bên cạnh các vở diễn cũ, Đoàn Tuồng cổ Huỳnh Long dựng mới vở “Tái sanh duyên” dự kiến sẽ diễn vào ngày 8-9/2. Số đông khán giả mong đợi vở “Lạc giữa biển người" với diễn xuất của: Hoài Linh, Việt Hương, Khương Ngọc, Hồng Trang… sẽ diễn tại Nhà hát Bến Thành trong dịp Tết. Không chỉ với “Lạc giữa biển người", nhiều vở khác do Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh thực hiện và đã tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói tại thành phố cũng sẽ ra mắt khán giả trong dịp Tết Nguyên đán này.