Trong những chương trình phát, có lẽ trường hợp của chú bảo vệ lương ba cọc ba đồng thi hát chữa bệnh cho bạn, chưa kịp thi thì bạn mất sẽ làm lay động rất nhiều người xem.
Làm bảo vệ cho một Trung tâm Anh ngữ, chú Lý Văn Phước chắt chiu lắm cũng chỉ đủ cho cuộc sống với những nhu cầu cơ bản. Tuy vậy, chú chẳng nề hà cho bản thân vì chú còn sức lao động, còn có khả năng kiếm tiền. Chú Phước đi thi với mong muốn giúp đỡ người bạn thân lâu năm nằm liệt giường vì bệnh tật.
Vậy mà, ngay cả mơ ước giản đơn đó cũng không kịp thực hiện. Buổi sáng ê - kíp đến quay thì chập tối, bạn chú qua đời. Dù là thế, chú vẫn sẽ hát, hát cho cô Lý Thị Thu Vân – vợ người bạn ấy, tiếp thêm nghị lực để cô sống tiếp. Mỗi ngày cô rửa chén, dọn nhà cho người ta chỉ được vài chục nghìn, hai vợ chồng lại không có con cháu. Khi chú mất, cô không có tiền lo hậu sự phải nhờ hàng xóm cho mượn tiền lo đám tang cho chồng.
Đến bây giờ, số nợ vẫn còn đè nặng lên vai cô. Người phụ nữ lớn tuổi nghẹn ngào trong nước mắt: “Hồi chú còn sống, chú vẫn hay nói rằng chỉ có tôi lo cho bà thôi, đến khi tôi mất bà khổ lắm không có ai lo hết”. Cô chia sẻ, mơ ước tìm được việc làm kiếm tiền lo cơm nước, cúng kiếng cho chồng. Lời chia sẻ của cô Vân khiến mọi người trong trường quay không kiềm được nước mắt.
Bằng chất giọng trầm ấm, da diết, chú Phúc đã chinh phục khán giả trong trường quay. Ảnh: CTV |
Đến với đêm thi, chú Phước trình diễn ca khúc Gọi đò. Bằng chất giọng khoẻ khoắn đầy da diết đã khiến cô Vân ngồi dưới hàng ghế khán giả nước mắt không ngừng rơi. Bằng chính giọng ca của mình, chú liên tiếp lọt vào vòng trong và cuối cùng xuất sắc giành chiến thắng với giải thưởng 50 triệu đồng. Chú Phước và cô Vân mừng bao nhiêu, khán giả trong trường quay mừng bấy nhiêu. Tình người mà chú Phước đem đến cho chương trình chắc chắn sẽ lan tỏa, khiến con người ta sống sẻ chia, giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Chưa nguôi rưng rưng vì lòng tốt của chú Phước, khán giả sẽ nghe lòng mình chùng xuống với trường hợp của người phụ nữ trung niên phụ bán cà phê nhưng dang tay giúp đỡ người hàng xóm bệnh tật, bán vé số mưu sinh. Câu thành ngữ “Bà con xa không bằng láng giềng gần” đã được chứng minh rõ nét qua câu chuyện của chị Ngọc Giàu đến từ Bình Dương.
Sống trong xóm trọ nghèo, người phụ nữ trung niên có thu nhập ít ỏi bằng nghề phụ bán cà phê đã dang rộng vòng tay giúp đỡ người hàng xóm cơ cực là chú Quang. Chú Quang đã lớn tuổi, lại mất vợ, lay lất từ Long An đến Bình Dương, một thân một mình bán vé số. Điều đáng nói là chú Quang đã mất đi một bên mắt sau tai nạn nghề nghiệp và bị lá phổi rách hoành hành. Bệnh tật đau đớn là thế nhưng chú chỉ mong ước có tiền đưa con gái trang trải cuộc sống vì chú đã lớn tuổi không mưu cầu gì cho mình.
Tham dự chương trình Hát mãi ước mơ, chị Ngọc Giàu mang đến ca khúc Ăn năn với giọng hát mộc mạc, truyền cảm. Kết thúc phần thi, MC Ốc Thanh Vân mời chú Quang lên sân khấu và cho chú xem một đoạn clip của con gái nhắn gửi. Cô cho biết mình rất hạnh phúc khi được cha mẹ sinh ra và tự hào vì là con gái của cha mẹ.
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cô Ngọc Giàu vẫn dang rộng vòng tay bảo bọc người láng giềng cơ cực. Ảnh: CTV |
Lời chân thành của con gái không chỉ khiến riêng chú mà còn rất nhiều khán giả nghẹn ngào rơi nước mắt. Tuy có hoàn cảnh cơ cực nhưng bù lại chú Quang cũng đã rất may mắn khi có được một đứa con gái và người hàng xóm đáng trân trọng như chị Ngọc Giàu. Kết thúc cuộc thi, chị Giàu xuất sắc về nhì với giải thưởng 25 triệu đồng. Hi vọng với số tiền này, chú Quang phần nào vơi bớt khổ cực, có tiền chữa bệnh và giúp đỡ con gái.
Từ “cơn bão” chia sẻ từ mạng xã hội đến hàng trăm bình luận trên các trang báo đã chứng tỏ khán giả đâu chỉ quan tâm đến những thứ xô bồ của showbiz. Họ vẫn chờ đợi, vẫn mong mỏi và đón nhận những chương trình mang tính nhân văn như thế.