Cảm xúc Trường Sa với nhạc sĩ Thế Hiển

Ở đâu có người lính, có chiến sỹ là ở đó có bước chân của nhạc sỹ Thế Hiển. Chỉ với cây đàn ghita, dù ở các đồn biên giới hay nơi hải đảo xa xôi, anh vẫn nhiệt tình giao lưu, hát những ca khúc do mình sáng tác. Anh quan niệm, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, một cảm xúc rất khác nhau để sáng tác.


Hai lần đến Trường Sa


Chúng tôi gặp Thế Hiển vào ngày anh đang rất bận rộn chuẩn bị cho một chuyến đi mới tới Cam Ranh để gặp gỡ, giao lưu với các chiến sỹ Hải quân. Nụ cười thân thiện cùng với sự dí dỏm, anh hào hứng kể cho chúng tôi những kỷ niệm trong những chuyến đi thăm và giao lưu với những người lính, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ Quốc. Đặc biệt, với anh, chuyến đi ra quần đảo Trường Sa năm nào đã cho anh rất nhiều cảm xúc, để anh cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc hay sau này, như: Vỏ ốc biển, Tiếng hát trên đảo Sơn Ca, Khúc hát tự hào HQ561…

 

Nhạc sỹ Thế Hiển được phong Nghệ sỹ ưu tú trong chuyến đi Trường Sa.


"Đảo xa nơi đây anh vẫn cùng đồng đội. Canh giữ biển trời giữa sóng gió trùng khơi. Những nỗi nhớ anh gửi vào lòng ốc biển. Ôi Tổ quốc thiêng liêng. Nam quốc sơn hà Nam đế cư", anh ngân nga bài “Vỏ ốc biển”. Đây là bài hát được Thế Hiển sáng tác trên con tàu HQ 963 trong chuyến ra thăm Trường Sa lần thứ 2, năm 2013.


“Trong bài hát này còn chứa tâm sự, lời động viên của người lính biển tới những người ở đất liền: Hãy yên tâm, chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Bài hát kết thúc với câu "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" - một câu trong bài thơ của Lý Thường Kiệt, không hiểu sao tôi lại phổ thành nhạc được như vậy, để người nghe thấy mượt mà, nhưng vẫn thể hiện được khí phách quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước”, nhạc sỹ Thế Hiển tâm sự.

Trước khi chia tay, nhạc sĩ Thế Hiển đã chia sẻ với chúng tôi: “Nếu có dịp, các bạn nên đến với Trường Sa. Tới nơi đó, các bạn sẽ cảm nhận rất rõ cuộc sống của những người lính đảo và người dân nơi đó ra sao. Tin rằng tại đó các bạn sẽ thấy thêm yêu đất nước mình hơn và sẽ có một cuộc trải nghiệm rất thú vị”.


Nhớ lại phút xuất thần đó, Thế Hiển chia sẻ: “Sau khi hát tặng các chiến sỹ trên đảo Đá Tây của quần đảo Trường Sa, tôi được một chiến sỹ tặng cho một vỏ ốc biển. Cầm vỏ ốc lên áp vào tai và nghe được tiếng sóng biển rì rào, tôi tự hỏi, vỏ ốc này đã có bao nhiêu năm trên vùng biển của nước ta, nghe tiếng sóng rì rào như lời tâm sự, lời động viên của những người chiến sỹ đối với người thân ở đất liền. Và ngay đêm đó, trên con tàu HQ 963 tôi cùng với người bạn tri kỷ của mình là cây đàn ghita đã viết ca khúc “Vỏ ốc biển”.


Ngoài bài hát “Vỏ ốc biển” được anh sáng tác từ sau chuyến công tác Trường Sa năm 2012, trước đó, bài hát “Nỗi nhớ từ đảo xa” được anh phổ nhạc từ thơ của Lê Xuân Bắc khi lần đầu tiên ra Trường Sa. “Với những câu thơ mượt mà, thắm đượm tình non sông, đôi lứa của người lính đã cho tôi rất nhiều cảm xúc để chuyển nó thành bài hát”, nhạc sỹ Thế Hiển cho biết.


Những ký ức khó phai


Niềm vui của nhạc sỹ Thế Hiển là đã hai lần vinh dự được tới Trường Sa và sáng tác được 4 ca khúc về những người lính biển, người dân, thiên nhiên… trên đảo. Nhưng niềm vui và vinh dự lớn nhất của anh là khi trên con tàu HQ 936 ra quần đảo Trường Sa, anh đã được phong tặng nghệ sỹ ưu tú và cũng vào đúng vào ngày đất nước chuẩn bị kỷ niệm 27 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Tôi đã từng đi khắp đất nước, nhưng khi bước chân lên tàu đi ra Trường Sa, tôi cảm giác tim mình đập rộn rã hơn. Bởi mình sắp được đến nơi đầu sóng ngọn gió, nơi mà các chiến sỹ đêm ngày cầm chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc”, nhạc sỹ Thế Hiển tâm sự.


Rồi anh lại kể tiếp: “Bước chân lên đảo, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi đây chính là máu thịt của Tổ quốc, thiêng liêng lắm. Vì vậy, với tôi, mỗi một lần được ra Trường Sa, cảm nhận tình cảm của những chiến sỹ như đang tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm nguồn cảm hứng cho người nghệ sỹ để có nhiều sáng tác hơn về tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc”. Bởi vậy, khi về đất liền, nhiều khi ngồi suy tư một mình, anh lại thấy nhớ Trường Sa, đặc biệt là tiếng còi tàu, tiếng chuông chùa trên đảo.


“Giữa muôn trùng sóng biển dạt dào nhưng khi nghe thấy tiếng chuông chùa vang lên ở đảo Trường Sa Lớn càng làm cho tôi thấy đất liền đang ở rất gần với các chiến sỹ. Đặc biệt, trong hải trình ra quần đảo Trường Sa, bất kỳ con tàu nào trước khi rời Trường Sa, đều kéo lên 3 tiếng còi tàu chào tạm biệt Trường Sa. Giây phút đó thiêng liêng đối với tất cả mọi người - cả người đi và người ở lại, có rất nhiều người nghẹn ngào không nói thành lời. Vì trong tiếng còi tàu, như lời nhắn nhủ của các chiến sỹ với đất liền: Đất liền hãy yên tâm, nơi đây chúng tôi sẽ luôn chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng”, nhạc sĩ Thế Hiển tâm sự.


Bài và ảnh: Đ.Phương - H.Tuyết

Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử - phần 5
Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử - phần 5

Các tài liệu đưa ra cho thấy sự hoạt động có tính chất nhà nước của Việt Nam đối với các quần đảo và điều đó đã được lịch sử xác lập. Vấn đề còn lại là vạch ra khu vực hoạt động một cách thận trọng và xác định rõ ràng ngày tháng, cường độ và phạm vi địa lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN