Đã là Bảo vật quốc gia thì hiển nhiên các vật thể đó có phải có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, phải được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt, tương xứng với giá trị của nó. Thế nhưng, câu chuyện về cách bảo vệ những bảo vật quốc gia ở Cao Bằng lại khiến nhiều người phải lắc đầu chua xót.
Bia Ma nhai Ngự chế do vua Lê Thái Tổ cho người khắc trên vách đá ở núi Phja Tém thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An từ năm 1431, nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của nước Đại Việt ở Cao Bằng. Bia có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học, được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 88/QĐ-TTg công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 15/1/2020. Thế nhưng, khác với tưởng tượng của chúng tôi khi đến thăm Bảo vật quốc gia, con đường vào khu di tích chỉ là một lối mòn nhỏ men theo chân núi (đường đi chăn trâu của người dân) rậm rạp cỏ cây. Ngoài bảng thông tin dưới bia đá thì không gian bao quanh chỉ có cây rừng, cỏ dại, vách đá âm u khiến ít ai nghĩ một nơi như thế đang có một Bảo vật quốc gia. Bia có 15 hàng chữ, nhưng hiện chỉ còn 9 hàng chữ phía trái là rõ nét, còn 6 hàng chữ phía bên phải bia đã bị bào mòn theo thời gian vì không được bảo vệ.
Ông Đàm Thế Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An cho biết: Sau khi Bia Ma nhai Ngự chế được công nhận là Bảo vật quốc gia, huyện Hòa An đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với cấp ủy, chính quyền xã Hồng Việt xây dựng cụ thể các phương án bảo tồn và phát huy Bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, theo quy định, Bảo vật quốc gia là hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, được Nhà nước bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Do đó, việc bảo quản Bảo vật quốc gia của địa phương không tránh khỏi lúng túng về chuyên môn, kỹ thuật.
Hai Bảo vật quốc gia tiếp theo của Cao Bằng là đôi chuông cổ có tuổi đời hơn 400 năm. Một chiếc nằm trong chùa Viên Minh và 1 chiếc khác ở đền Quan Triều tại quần thể di tích Đà Quận.
Ông Đoàn Ngọc Phúc ở xóm Đà Quận, người chăm nom chùa Viên Minh cho biết: Theo sử sách, chuông chùa Viên Minh là loại chuông lớn, trên thân chuông có ghi niên hiệu Long Phi, Càn Thống, chi thập cửu niên Tân Hợi cốc nhật (tạm dịch: Ngày lành năm Tân Hợi, niên hiệu Càn Thống thứ 19, tức năm 1611). Trước đây, chuông được treo trên gác chuông bằng gỗ có mái lợp, tuy nhiên, hơn 1 năm nay, mái gác chuông bị thủng dột, ngói vỡ, chưa có kinh phí lợp lại nên mưa nắng dội trực tiếp vào quả chuông khiến cổ vật này có nguy cơ bị hư hại. Chiếc chuông Bảo vật quốc gia thứ hai nằm trong đền Quan Triều còn tệ hại hơn chuông chùa Viên Minh. Chuông được treo trong một gác chuông nhỏ cũ kỹ, xuống cấp, không đủ che mưa nắng hay để bảo vệ khỏi sự xâm phạm của du khách.
Theo ông Hoàng Quang Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, xã có 2/3 Bảo vật quốc gia, đó là niềm tự hào của địa phương. Tuy nhiên, do không có kinh phí cho công tác bảo vệ nên hai bảo vật này phải dùng kinh phí xã hội hóa, mà việc xã hội hóa ở địa phương rất khó khăn.
Bà Ngô Thị Cẩm Châu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nay, Bảo tàng đang tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương có Bảo vật quốc gia tổ chức xây dựng, hoàn thiện phương án cụ thể về bảo quản Bảo vật quốc gia như: tham mưu đề xuất phương án ứng dụng phủ lớp nano lên bề mặt Bia Ma nhai Ngự chế để chống lại tác động của thiên nhiên; tham vấn các chuyên gia phân tích giá trị, thẩm mỹ và cố vấn để có phương án bảo quản đôi chuông trong các gác chuông hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện phải tuân thủ chặt chẽ quy trình, kỹ thuật bảo quản và có sự phối hợp, hướng dẫn của các nhà khoa học, chuyên gia về bảo quản Bảo vật quốc gia bảo đảm tuyệt đối an toàn, nên cần thời gian và kinh phí để thực hiện.
Bảo vật quốc gia là cổ vật đặc biệt quý hiếm, là niềm tự hào của người dân, là niềm mơ ước của nhiều địa phương. Song, những Bảo vật quốc gia của tỉnh Cao Bằng lại bị “đối xử” như những vật tầm thường. Những bảo vật này có được trường tồn, có phát huy được giá trị đặc biệt quý hiếm của mình hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Cao Bằng.