Hiện nay, hai hiện vật đang tiếp tục được bảo quản, trưng bày, giới thiệu đến người dân và du khách tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) để công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về giá trị của các hiện vật; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các Bảo vật Quốc gia.
Theo đó, hai bảo vật mới được công nhận là: Tượng Ganesha và Tượng Gajasimha. Tượng Ganesha (chất liệu: Sa thạch; ký hiệu BTC 5; kích thước: cao 95cm, dài 48cm, rộng 34cm) được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) khi tiến hành khảo cổ tại đền-tháp E5, thuộc nhóm E (theo cách phân nhóm của các nhà khảo cổ học người Pháp) tại di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó, tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng từ năm 1918. Đây là một trong những tượng tròn hiếm hoi thể hiện vị thần ở dạng thức đứng, còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước lớn và mang nhiều đặc điểm độc đáo về phong cách trong giai đoạn sớm - khoảng thế kỷ VII – VIII, của nền nghệ thuật điêu khắc cổ này.
Tượng Gajasimha (chất liệu: Sa thạch; ký hiệu BTC 221; kích thước: cao 215cm, dài 100cm, rộng 84cm) được tìm thấy trong cuộc khai quật tại Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1933-1934 do Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp thực hiện. Sau đó, tượng được đưa về Bảo tàng từ năm 1935. Gajasimha (hay Voi – Sư tử) là một hình tượng linh thú trong thần thoại Ấn Độ với đầu voi và thân sư tử. Hình tượng đầu voi biểu trưng cho quyền năng của thần linh và thân hình sư tử là biểu trưng chiến thắng, uy quyền của một vị vua. Tượng mang những nét đặc trưng về phong cách nghệ thuật của một trong những giai đoạn muộn nhất – đã được các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật có uy tín xếp vào một phong cách riêng là phong cách Tháp Mẫm, khoảng thế kỷ XII – XIII, trong tiến trình phát triển của nền nghệ thuật điêu khắc Champa.
Đây là hai hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền nghệ thuật tôn giáo của Champa qua các thời đại.
Đến tháng 1/2021, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang lưu giữ và giới thiệu tổng cộng 6 hiện vật điêu khắc đã được công nhận Bảo vật Quốc gia gồm: Đài thờ Trà Kiệu (ký hiệu BTC 95), Đài thờ Mỹ Sơn E1 (ký hiệu BTC 6), tượng Bồ tát Tara (ký hiệu BTC 1651), Đài thờ Đồng Dương (ký hiệu BTC 1), tượng Ganesha (ký hiệu BTC 5), tượng Gajasimha (ký hiệu BTC 221).
Năm 2020, Bảo tàng đã phục vụ hướng dẫn tham quan cho 113 đoàn với 3.242 lượt khách. Trong đó, có nhiều đoàn khách ngoại giao, khách làm việc như đoàn tiền trạm của Cục Lễ tân nhà nước, đoàn Đại sứ quán Singapore (tháng 3/2020)… Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, lượng khách đến tham quan Bảo tàng năm 2020 chỉ đạt 25% so với năm 2019. Lượt khách nội địa tăng 128% tuy nhiên lượt khách quốc tế chỉ bằng 19% so với cùng kỳ.
Năm 2021, Bảo tàng đề ra kế hoạch với các hoạt động trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; thực hiện trưng bày lại phòng Văn hóa, Lễ hội và Nghề thủ công truyền thống của đồng bào Chăm; xây dựng nội dung chương trình giáo dục tại bảo tàng dành cho sinh viên chuyên ngành Du lịch, Lịch sử và Văn hóa với chủ đề: “Kết nối Bảo tàng với các di tích Chăm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; triển khai các nội dung trong Đề án “Tổ chức các hoạt động phụ trợ để thu hút khách Việt Nam đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm”.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là nơi đến tham quan yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Việc có thêm hai Bảo vật sẽ thu hút người dân, du khách đến với Đà Nẵng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách đến bạn bè quốc tế và thúc đẩy phát triển du lịch sau thời gian tạm ngưng vì dịch COVID-19.