Cần giữ gìn và phát triển nhạc lễ cổ Bích Khê

Nhạc lễ cổ làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tồn tại trên 400 năm qua, và nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Đây là loại nhạc đặc trưng của làng Bích Khê, chủ yếu để phục vụ cho các nghi lễ cúng tế thần linh, lễ hội, các nghi lễ của tôn giáo hoặc đám tang. Thế nhưng, loại hình nhạc dân gian này đang bị mai một, những nghệ nhân lớn tuổi nơi đây đang trăn trở làm sao để giữ gìn và phát huy nhạc cổ truyền thống của quê hương!


Làng Bích Khê vốn được xem như một mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra những nhân tài cho đất nước và là cái nôi của nhạc lễ cổ truyền tỉnh Quảng Trị. Theo lời kể của các nghệ nhân ở đây thì tương truyền vào những thời kì trước, các bậc tiền nhân cổ nhạc thường xuyên vào cung để phục vụ cho “Lễ tế trời” tại Đàn Nam Giao và phục vụ cho các buổi lễ trong cung vua. Cũng từ đây, nhiều tiền nhân đã được phong “Bát phẩm văn giai” như ông Hoàng Hữu Dụng hay ông Lê Quang Tâm. Đặc biệt vào thời vua Tự Đức, ông Đỗ Thiên Huệ từng được phong là Tỉnh nhạc trưởng của tỉnh Quảng Trị. 
 

Ông Lê Dũng và anh Lê Quang Xử tập luyện nhạc lễ cổ.

 

Hàng năm, cứ đến ngày 16/10 âm lịch, cả làng Bích Khê, lại tổ chức nghi lễ Giỗ tổ quy mô để cảm ơn vị tổ phụ đã xây dựng nên nhạc cổ truyền thống này. Với các loại nhạc cụ truyền thống như: Đàn nhị, trống, kèn, sáo, phách, đàn bầu… Các nghệ nhân đã biến hóa những giai điệu, khi mượt mà, khi ai oán, khi hào hùng theo những bản nhạc riêng biệt giao hòa giữa con người và đất trời.


Hiện nay, làng Bích Khê còn lưu giữ và biểu diễn các bản nhạc truyền thống như: Cổ Bản, Xuân Nữ, Long Hổ, Kim Tiền, Lưu Thủy, Tây Mai, Xuân Phong, Long Ngân… Đặc biệt điệu nhạc cổ “Điệu trống quân” thường được biểu diễn khai hội trong các lễ hội lớn vẫn được lưu giữ và biểu diễn. Khi biểu diễn các nghệ nhân sẽ mặc các bộ trang phục truyền thống áo dài khăn đóng với các màu xanh, đen tùy từng buổi lễ.


Tại làng Bích Khê trước kia có 3 họ biểu diễn nhạc cổ truyền thống là họ Lê, Hoàng và Đỗ, nhưng hiện nay chỉ còn lại nhà họ Lê và Đỗ là còn người kế nghiệp. Tại 2 dòng họ này, có những gia đình hiện nay có đến 3-4 thế hệ kế nghiệp như gia đình ông Đỗ Văn Thiện, Lê Tri. Với khả năng cũng như kĩ thuật biểu diễn có chất lượng cao, đoàn nhạc cổ truyền của làng Bích Khê thường xuyên được mời tham dự tại các lễ hội, chương trình lớn trong và ngoài tỉnh cũng như tham gia các liên hoan văn nghệ dành được nhiều giải nhất trong tỉnh. Đặc biệt vào năm 2007, trong Lễ hội Liên hoan văn hóa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, đội đã đạt được giải nhất toàn đoàn.


Ông Lê Dũng, một trong những nghệ nhân chơi nhạc của Bích Khê cho biết: “Tôi làm nghề cũng đã được gần 60 năm, cái hay của nhạc lễ cổ ngoài kĩ thuật điêu luyện phải nắm được cái hồn, cái thần thái của bản nhạc như thế giai điệu mới sống và đi vào lòng người được. Nhưng lớp già chúng tôi không còn nhiều, cuộc sống ngày càng hiện đại, không biết tương lai nhạc lễ cổ truyền của làng sẽ ra sao?”. Có lẽ tâm sự của ông Dũng cũng chính là điều lo lắng trăn trở của các nghệ nhân lớn tuổi đi trước, việc khai thác và lưu giữ được những bản nhạc truyền thống là một vấn đề lớn được đặt ra. Bởi nếu không một khi những nghệ nhân lớn tuổi đã mất đi thì muốn tìm lại những giai điệu, bản nhạc cổ sẽ rất khó khăn.


Để góp phần giữ gìn lễ nhạc, vào những năm 2007, Câu lạc bộ Nhạc lễ cổ truyền thôn Bích Khê ra đời với gần 30 thành viên do ông Đỗ Văn Thiện và Lê Trì đứng đầu. Nhưng sau khi ra mắt, đến nay CLB vẫn chưa hoạt động do không đủ kinh phí để duy trì. Bên cạnh đó, do đặc thù nghề nghiệp các thành viên trong CLB thường xuyên đi biểu diễn các nơi nên không có điều kiện tập trung sinh hoạt đã và đang đặt ra những thách thức lớn. Các nghệ nhân của làng hiện nay còn khoảng 30 người chủ yếu trẻ tuổi, biểu diễn riêng rẽ, đơn lẻ theo từng nhóm không tập hợp lại được nên việc phát triển và kế thừa ngày càng khó khăn trong việc duy trì thế hệ sau một cách trọn vẹn. Hiện nay, rất ít người còn thể hiện được điệu nhạc khó như điệu Trống Quân… Những bài nhạc lễ cổ đòi hỏi kĩ thuật khó chỉ còn lại những nghệ nhân già lớn tuổi, do các bản nhạc được truyền lại bằng chữ Hán, có nhiều bài đòi hỏi kĩ thuật cao nên người trẻ tuổi khó thực hiện được.


Việc duy trì và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo này hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm thu thập, giữ gìn, bảo vệ và phát huy đúng mức. Rất mong trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ sớm vào cuộc để giúp nhạc lễ cổ làng Bích Khê có được vị trí xứng đáng của mình.


Bài và ảnh: Thanh Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN