Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP được xây dựng với mục đích định hướng phát triển nghệ thuật; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Nghị định đã thống nhất hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn và tiến tới hội nhập nền thương mại toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có thể được gọi là “6 cắt, 4 thêm, 8 điều chỉnh”. So với Nghị định 79, Nghị định 144 đã có những thay đổi đáng kể để trở nên thiết thực hơn khi đi vào đời sống. Theo đó, cắt giảm thủ tục hành chính từ 10 xuống còn 4.
Cụ thể, các nội dung sau sẽ không còn cần đến giấy cấp phép như: Người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; Cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; Phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu; Phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình.
Tại hội nghị, đại biểu của các cơ quan quản lý văn hóa địa phương, đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức nghệ thuật khu vực miền Nam được phổ biến các nội dung của Nghị định, các điểm mới, đồng thời đưa ra kiến nghị, đề xuất để thực hiện hiệu quả Nghị định.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, vẫn còn những vướng mắc trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chưa được giải quyết thỏa đáng như việc cấp phép ca khúc (giai đoạn cấp phép những bài hát sáng tác trước năm 1975 hoặc của tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài); cấp phép cho các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức biểu diễn từ 1 đến 2 địa bàn; việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp; việc giải quyết cho các thí sinh là người Việt Nam ra nước ngoài tham gia các cuộc thi sắc đẹp; lưu chiểu, duyệt nội duyệt các bản ghi hình trước khi sản xuất.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề phân cấp quản lý biểu diễn nghệ thuật theo địa bàn và vấn đề hậu kiểm. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thuý, việc phân cấp quản lý cần sự phối hợp giữa các cấp, bộ, ban ngành trong việc tổ chức thực hiện. Vì vậy, phân cấp quản lý nên xác định rõ nhiệm vụ cần làm của từng cấp, theo địa bàn nhằm giúp các địa phương quản lý sát nội dung chương trình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở địa phương, từ đó xử lý các tình huống phát sinh thuận tiện, tăng quyền lợi và tăng trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các địa phương phải nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng thẩm định và phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu để bảo đảm thời hạn cấp thủ tục chấp thuận tổ chức biểu diễn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương phải tích cực hơn nữa trong công tác hậu kiểm để xử lý các vấn đề vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn...
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng, điểm nhấn của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP là phân cấp quản lý nghệ thuật đối với các tỉnh, địa phương. Các đoàn nghệ thuật của Trung ương không có thay đổi nhiều. Bởi, hằng năm, kế hoạch của nhà hát đều phải có trước, sau đó mới được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) duyệt nội dung. Nghị định này góp phần thay đổi các thủ tục hành chính, các địa phương sẽ giám sát được chất lượng nội dung nghệ thuật của các đơn vị, đặc biệt là các chương trình của tư nhân, doanh nghiệp, công ty sẽ được quản lý chặt hơn về mặt nội dung.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật là phải thực hiện đúng với nội dung đã thông báo, nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận theo quy định tại Nghị định số 144 và nếu làm sai sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thậm chí sẽ bị xử lý hình sự.