“Cảnh nóng” phản cảm trên sân khấu kịch

Thời gian gần đây, sân khấu kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh “nở rộ” không chỉ những cảnh diễn viên ăn mặc quá mát mẻ, mà còn “phá cách” bằng những “pha nóng” chuyện phòng the. Khán giả đến xem lẽ ra được thưởng thức nghệ thuật lành mạnh, thì lại bị “sốc” và nhức mắt.


Đua nhau dựng cảnh nóng


Ai đã từng xem vở kịch “Sát thủ hai mảnh” của đạo diễn Lê Hoàng đều có nhận xét chung: “một vở sexy nguyên nghĩa”. Chỉ nghe cái tên, cũng biết đạo diễn muốn “câu khách” bằng hình ảnh cô gái mặc bikini, làm giới thanh niên tò mò.

“Cảnh nóng” trong vở kịch “Sát thủ hai mảnh” của đạo diễn
Lê Hoàng.


Mở đầu vở kịch là cảnh 4 cô gái mặc thời trang “bikini” phô ngực, hở rốn, ưỡn ẹo trên sân khấu. Những trang phục quá mỏng và cũn cỡn do 4 diễn viên Mỹ Duyên, Hồng Ánh, Lê Khánh và người mẫu Xuân Lan mặc, đã gây phản cảm mạnh mẽ. Những người lớn tuổi đi xem sân khấu kịch nói ở Idecaf Thành phố Hồ Chí Minh không khỏi phàn nàn: “Kịch gì thế này, toàn hở mông lòi rốn. Thế này mà diễn trước công chúng sao?”. Chỉ mấy cậu thanh niên choai choai cứ dớn mắt nhìn như đi tìm sự hiếu kỳ. Chưa dừng lại ở đây, nội dung chính của vở kịch chủ yếu khai thác khía cạnh hài hước, nói năng bốp chát, bặm trợn, chợ búa. Nhất là những tình tiết sex lồng ghép trơ trẽn đã gây sốc cho khán giả.


Cũng gây phản cảm trong lòng công chúng nhưng mạnh hơn, vở kịch “Trinh nữ” của đạo điễn Ngọc Tưởng (sân khấu kịch Sài Gòn) khiến người xem “giật mình” với những cảnh phòng the quá lộ liễu. Kịch sân khấu ước lệ mà đặc tả cảnh đêm tân hôn như thật. Những tình tiết người vợ cởi áo để tấm lưng trần lõa lồ, rồi vợ chồng ôm nhau động phòng, với những “cử chỉ động tác” “sờ, vuốt, nắn, bóp” đã làm khán giả ngượng chín mặt. Nhiều khán giả xấu hổ đã bỏ về ngay khi diễn viên đang “say sưa” diễn. Cô diễn viên Lan Phương “diễn” nhiệt tình như chưa bao giờ được diễn. Những “uốn lượn” đường môi, những ngả ngớn đường mông, những ánh mắt của cô càng như “dầu đổ vào lửa”, làm cho người xem muốn thay cô mà chui xuống đất mà không chui được.

“Cảnh nóng” gây sốc cho khán giả trong vở kịch “Trinh nữ” của đạo diễn Ngọc Tưởng.


Công văn số 305/NTBD ngày 16/5/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh xem xét cân nhắc trong quá trình kiểm duyệt và cấp giấy phép công diễn, các vở diễn sân khấu đi sâu vào diễn tả những cảnh yêu đương tỏ tình bằng hành động ngôn ngữ thiếu văn hóa, gây phản cảm cho khán giả, làm ảnh hưởng tới chức năng thẩm mỹ của nghệ thuật sân khấu”.

Sau vở “Sát thủ hai mảnh”, sân khấu kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh đua nhau dựng kịch nóng như một hiệu ứng dây chuyền. Tên các vở kịch nghe rất câu khách như: Mùa yêu đương, Thử yêu lần nữa, Cái lò gạch cũ, Nhà trọ tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em… Xem những vở kịch này, đập vào mắt khán giả là những pha gay cấn thoát y chướng mắt chứ không phải là tình tiết cách điệu của nghệ thuật sân khấu. Diễn viên thì cứ “diễn và khoe” hết mình như trong chốn phòng the chứ không phải diễn trước hàng nghìn khán giả, còn khán giả thì phải cố gắng “thưởng thức” mà chẳng hiểu diễn viên diễn gì?


Ý đồ câu khách?


Rõ ràng dựng cảnh nóng là nằm trong ý đồ “câu khách” của không ít đạo diễn, khi giữa cảnh nóng và lôgíc kịch bản chẳng hề ăn khớp nhau. Sự liên kết tình tiết chỉ là “cái cớ” để “phơi bày da thịt” của những người đẹp trước mắt khán giả. Và có lẽ vì lý do lợi nhuận nên các đạo diễn quên mất thủ pháp là cách giàn dựng ước lệ vốn là nguyên tắc cơ bản của mỗi tác phẩm kịch sân khấu. Ví dụ như để miêu tả cảnh tình cảm chỉ cần hai diễn viên gục đầu vào nhau, đèn vụt tắt, màn khép lại là đủ để khán giả hiểu họ làm gì. Còn bây giờ cái ước lệ không còn nữa. Các nhà đạo diễn “tả thực” đến từng chi tiết. Còn diễn viên thì “lăn xả” vào diễn, làm cho khán giả sốc mạnh hơn.


Đành rằng, nghệ thuật là đòi hỏi sáng tạo, bứt phá, tức là làm mới mình bằng hình tượng nghệ thuật và lối diễn mới, nhưng “sự sáng tạo” ấy hoàn toàn không phụ thuộc “cảnh nóng”. Thực tế, những “cảnh nóng” dù hấp dẫn mấy chăng nữa cũng chỉ là “bình cũ rượu mới”, chỉ phục vụ một số ít khán giả, chứ không phục vụ đông đảo quần chúng yêu sân khấu kịch nói.


Có một điều lạ là những vở kịch thừa phản cảm, thiếu lành mạnh như thế mà vẫn được diễn trước đông đảo quần chúng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa ở đâu? Phải chăng cơ quan chức năng không hề biết những “cảnh nóng” trong mỗi vở kịch? Các nhà quản lý có duyệt khi đạo diễn trình trước khi đem “chiếu” trước công chúng?


Đã đến lúc các nhà quản lý văn hóa kịch sân khấu phải ngồi vào bàn tròn bàn kỹ về chất lượng và tính nhân văn của mỗi vở diễn, xem lại tư cách và ý đồ đạo diễn. Có thể cấm diễn những vở kịch có tình tiết “nóng”, không nên “thả” rồi “đuổi” như hiện nay.



Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN