Nhiều người rất bất ngờ với những sai phạm của cuộc thi "Nữ hoàng Biển" năm 2013, bởi đây thực sự là những sai phạm rất nghiêm trọng trong việc tổ chức cuộc thi, vi phạm hàng loạt các điều trong Quy định của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu...
Như đánh giá của một người trong cuộc, là BTC đã "rất liều" và "coi trời bằng vung" mới dám làm như vậy. Và câu hỏi đặt ra, tại sao một địa phương đã từng đăng cai hàng loạt cuộc thi sắc đẹp có uy tín, thậm chí là tầm cỡ quốc tế như tỉnh Khánh Hòa, lại có thể có những vi phạm như vậy?
Gala từ thiện trong khuôn khổ Nữ hoàng Biển Việt Nam. Ảnh: thethaovanhoa.vn |
Tuy nhiên, nếu là người trong cuộc thì sẽ có thể dễ dàng hiểu được lý do. Theo nguồn tin riêng của Tin tức, cuộc thi "Nữ hoàng Biển 2013", nằm trong khuôn khổ "Festival Biển 2013 - Nha Trang biển hẹn", trên thực tế là do một doanh nghiệp đứng ra tổ chức, và doanh nghiệp này đã "thao túng" hết tất cả mọi khâu, kể cả việc chấm thi của BGK. "Trên thực tế doanh nghiệp này chưa từng tổ chức cuộc thi sắc đẹp nào, nên thực sự hoàn toàn không nắm vững những quy định về tổ chức cuộc thi. Không những thế, họ còn áp đặt hoàn toàn cách làm của mình vào trong việc tổ chức, dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng nói trên", nguồn tin này cho biết.
Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn: “Sai phạm đã quá rõ ràng” Ngày 3/6, trả lời Báo Tin tức, Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương khẳng định: BTC cuộc thi "Nữ hoàng Biển 2013" đã vi phạm quá lớn, quá nghiêm trọng Nghị định 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu...; cố tình không tuân thủ pháp luật. Trong 4 sai phạm của BTC cuộc thi, chỉ cần 1 sai phạm cũng đủ để tước giấy phép. Theo đó, đơn vị này đã không thực hiện đúng quy trình của một cuộc thi nhan sắc là tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt hồ sơ rồi mới triệu tập thí sinh để tiến hành cuộc thi. Đặc biệt, BTC cuộc thi có một vi phạm nghiêm trọng là không thành lập Ban giám khảo và ban hành quy chế hoạt động chấm thi; không trả lời được câu hỏi "Ai là người phụ trách vòng sơ khảo?" và không cung cấp được phiếu điểm. Ngoài ra, trong giấy xin phép tổ chức, thì vòng bán kết diễn ra từ ngày 28/5 - 2/6, nhưng khi đoàn thanh tra của Bộ kiểm tra vào ngày 31/5, BTC vẫn chưa tổ chức vòng bán kết. Ngay trong ngày 31/5, đại diện phía “Nữ hoàng Biển 2013” xin đoàn thanh tra cho tổ chức vòng bán kết trong vòng một ngày 3/6. Đây là điều không thể chấp nhận vì vi phạm Đề án cuộc thi và Quyết định số 135 ban hành ngày 4/4 về kế hoạch tổ chức thi. Cục trưởng còn cho biết, không đúng như đại diện công ty đã lên tiếng với báo chí, đoàn thanh tra đã sớm phát hiện những sai phạm thông qua phản ánh của người dân cũng như thí sinh qua đường dây nóng, chính vì vậy mới phải thành lập đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra cũng đã cho phép công ty lùi thời gian tới 11 giờ 30 và sau đó là 14 giờ ngày 31/5 để thu thập hồ sơ thí sinh, bảng điểm... để báo cáo đoàn, nhưng tới 14 giờ, BTC đã trả lời "chỉ có thế", nên đoàn kiểm tra mới quyết định đình chỉ. Cũng theo Cục trưởng, BTC "Nữ hoàng Biển 2013" còn vi phạm là không có sự phối hợp với lãnh đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa - địa điểm dự kiến diễn ra vòng chung kết. Chính quyền địa phương chỉ biết tới những sai phạm khi đoàn của Bộ đến thanh tra. Cục trưởng khẳng định: Nếu phía BTC cuộc thi thấy mình không vi phạm và xử lý của Cục là sai thì hoàn toàn có quyền kiện. Về phía Cục, Cục có đủ cơ sở và chứng cứ cho quyết định rút giấy phép của đơn vị tổ chức cuộc thi “Nữ hoàng Biển 2013”. |
Ngành văn hóa đã chứng kiến rất nhiều sai phạm trong lĩnh vực xuất bản, cũng do tình trạng "bán cái" mà ra. Trên thực tế, dường như tình trạng "bán cái" lại đang tiếp tục xuất hiện trong lĩnh vực tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, nhiều "đại gia" có tiền đã đứng ra "thâu tóm" các cuộc thi này và biến nó thành cuộc thi của riêng mình, theo ý muốn chủ quan của mình. Tất nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra với những cuộc thi nhỏ, không mang tầm quốc gia (như cuộc thi " Nữ hoàng Biển 2013" chỉ là cuộc thi để quảng bá cho riêng tỉnh Khánh Hòa). Còn với những cuộc thi đã mang tầm quốc gia, thì mọi khâu tổ chức đều được thực hiện rất nghiêm ngặt, với sự tham gia chỉ đạo của rất nhiều ban, ngành, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của cuộc thi.
Trên thực tế, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã thực hiện nghiêm quy định mỗi năm chỉ có 1 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia, với danh hiệu Hoa hậu; còn các cuộc thi khác chỉ là cuộc thi cấp địa phuơng, ngành, cấp trường, với danh hiệu người đẹp, nữ hoàng. Đây là một cách để tránh tình trạng "loạn danh hiệu Hoa hậu" trước đây. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, vẫn có tình trạng "loạn danh hiệu", đơn cử như danh hiệu Nữ hoàng cũng có tới 3 cuộc thi diễn ra gần như đồng thời: "Nữ hoàng Biển 2013" (nếu không bị hủy sẽ diễn ra trong tháng 6 này), "Nữ hoàng Cà phê" (diễn ra tháng 3/2013), "Nữ hoàng trang sức" (dự kiến chung kết tháng 7/2013)... Ngoài ra là hàng trăm cuộc thi người đẹp cấp trường, cấp đơn vị, cấp địa phương khác.
"Số lượng người đẹp chỉ có hạn, nên việc hàng loạt cuộc thi cùng lúc tổ chức, dẫn tới việc 1 người đẹp có thể dự thi tới 3 cuộc, thí sinh vừa xuất hiện ở cuộc thi này lại thấy đăng ký ở cuộc thi khác; làm chất lượng các cuộc thi đều bị giảm sút. Bên cạnh đó, chính việc thiếu thí sinh cũng là nguyên nhân dẫn tới những sai phạm nói trên", một nhà tổ chức cho biết.
Vậy, vấn đề đặt ra, nên chăng việc cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp nên được "siết" lại chặt hơn nữa, cũng nên khống chế số lượng cuộc thi được phép tổ chức trong 1 năm, để tránh tình trạng chồng chéo như hiện nay, cũng như làm nghiêm hơn trong việc thẩm định để cấp phép, tránh tình trạng một số cuộc thi sắc đẹp "treo đầu dê, bán thịt chó" như hiện nay.
“Sẽ khiếu nại tới cùng”
Tối
2/6/2013, ông Hải Lê - đại diện Công ty Rồng Việt - thành viên Ban tổ
chức cuộc thi “Nữ hoàng Biển 2013” đã đưa ra “luận chứng” của Công ty
về 4 điểm mà Cục NTBD kết luận BTC sai phạm như sau:
Về việc BTC không
cung cấp được đầy đủ hồ sơ các thí sinh tham gia cuộc thi, phía Rồng
Việt có gia hạn cho các thí sinh hoàn thành đầy đủ hồ sơ với những
trường hợp bị trậm trễ vì thủ tục hành chính. Tới ngày 1/6, tất cả hồ
sơ của thí sinh có đầy đủ nhưng để tại TP.HCM. Khi nhận được thông tin
miệng của Thanh tra đề nghị cung cấp tất cả các hồ sơ thì Rồng Việt có
đề nghị kéo dài thêm 4 tiếng để chuyển toàn bộ hồ sơ từ TP.HCM ra Nha
Trang theo đường máy bay, nhưng không được chấp thuận mà Thanh tra kết
luận ngay rằng Ban tổ chức không có đủ hồ sơ.
Về việc BTC không cung
cấp được đầy đủ bảng điểm của các thí sinh: Tương tự như mục 1, Thanh
tra không chấp thuận cho Ban tổ chức có thời gian chuyển hồ sơ mà kết
luận sai phạm ngay.
Về việc BTC không tổ chức thi bán kết mà tổ chức
thi chung kết ngay: Ban tổ chức có kế hoạch làm bán kết vào ngày 3/6 và
kế hoạch này được ghi rõ trong lịch trình cũng như phổ biến cho các thí
sinh. Thời điểm ngày 1/6 Thanh tra tới lập biên bản sai phạm đã đưa ra
kết luận quá sớm và võ đoán.
Về việc BTC có quyết định thành lập Ban
giám khảo quá chậm trễ: Thành phần BGK có tiến sĩ mỹ học Phạm Thế Hùng
bận công tác Trường Sa đột xuất, sau đó về đất liền thì gia đình có
tang lễ và vì đây là vấn đề bất khả kháng nên Ban tổ chức đã không hoàn
thành được quyết định thành lập đúng thời hạn. Đây là cái sai của Ban
tổ chức.
Theo đó, ông Hải Lê kết luận trong 4 điểm kết luận từ Cục, thì
điểm số 1 và điểm số 2 là do Thanh tra Cục không cho phép Ban tổ chức
thời gian giải trình; điểm số 3 là võ đoán là Thanh tra Cục sai hoàn
toàn; điểm số 4 là kết luận đúng và Ban tổ chức xin nhận sai. Ông Hải
Lê cũng khẳng định: Rồng Việt sẽ khiếu nại tới cùng để làm rõ các điểm
gây nghi vấn.
P.V