Cầu Long Biên, nơi lắng đọng ký ức Hà Nội

Sau chùa Một Cột và quần thể Tháp Bút - đền Ngọc Sơn thì cầu Long Biên là một trong những hình ảnh đặc trưng, đẹp và độc đáo về văn hóa, lịch sử Hà Nội do con người tạo nên. Và với người Hà Nội, cầu Long Biên không chỉ là cây cầu đầu tiên nối đôi bờ sông Hồng, mà còn là một chứng tích lịch sử không thể tách rời với Thủ đô trong suốt thế kỷ XX. Cây cầu này được khánh thành vào ngày này cách đây 112 năm, ngày 28-2-1902.

Người Hà Nội có câu thơ rằng:

Hà Nội có cầu Long Biên,
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong,
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...

Ngày 13/9/1889, viên đá đầu tiên đã chính thức được toàn quyền Paul Doumer đặt xuống tại vị trí mố cầu bên bờ tả ngạn sông Cái.

Cầu Long Biên được thiết kế theo kiểu có rầm chìa mà công ty Daydé & Pillé áp dụng lần đầu tiên cho cây cầu ở Tobiac (Pari) trên tuyến đường sắt Pari - Orleans của nước Pháp. Cầu có chiều dài là 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Giữa cầu có đường ray đơn dành cho tàu hỏa. Hai bên cầu có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ.

Sau gần 3 năm thi công, ngày 28-2-1902, cầu đã chính thức được khánh thành và đặt tên là cầu Doumer. Sau ngày Hà Nội giải phóng, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Cầu Long Biên đẹp ở kiểu dáng, độc đáo ở thiết kế và chất liệu xây dựng, đã trở thành cây cầu có chiều dài lớn thứ hai thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông lúc bấy giờ.

Cầu Long Biên trong một bức ảnh xưa cũ. Ảnh: TTXVN


Cây cầu do thực dân Pháp xây dựng với ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất, và phục vụ việc đàn áp các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của người dân Bắc kỳ. Chính vì vậy mà cây cầu đã được xây dựng bằng rất nhiều xương máu của người Việt Nam. Và ngày hôm nay, cây cầu còn đứng vững cũng là nhờ vào công sức bảo vệ, giữ gìn của những người Việt Nam yêu nước. Cầu Long Biên đã cùng người dân thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cầu Long Biên là chứng nhân của lịch sử và bản thân Long Biên cũng lại trở thành lịch sử.

Từ Long Biên để có những ngày Tháng Tám long trời chuyển đất, và Hà Nội trở thành thủ đô thương yêu của cả nước. Từ Long Biên để có những đoàn quân chiến thắng rầm rập tiến về giải phóng thủ đô. Những ngày mùa thu năm 1954, cầu Long Biên đã chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội và cũng từ cầu Long Biên, những khẩu pháo ngạo nghễ cùng sông nước quật cổ lũ giặc trời, cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại đi tới một Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu.

Nhưng cũng trong những năm tháng khói lửa ấy, cầu Long Biên đã bị ném bom 14 lần, đã có 9 nhịp cầu bị đánh gục và 4 trụ bị hư hỏng nặng, nhưng cầu gãy lại được nối, cầu hỏng lại được sửa ngay để đảm bảo huyết mạch lưu thông. Hơn 1,8 cây số đường cầu dường như chưa bao giờ bị gián đoạn giao thông, cầu chưa bao giờ ngừng hoạt động, để rồi từng chuyến hàng trọng yếu vẫn theo con đường này vào chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Viết về những ngày ấy, thi sĩ Xuân Quỳnh đã từng thốt lên:

Cầu Long Biên - đó là tên cầu cũ
Bắc qua sông bằng sắt thép già nua
Chiếc cầu ấy biết bao lần giặc phá
Không thanh sắt nào không vết đạn bom
Xe vẫn chạy trên chiếc cầu chắp vá
Tàu hỏa, ô tô có đoạn phải chung đường
...

Trải qua không biết bao biến động với nắng gió thời gian, chiến tranh tàn phá, cầu Long Biên giờ chỉ còn lại một nhịp kép phía Bắc, một nhịp kép phía Nam cộng thêm với nửa nhịp kép nằm giữa sông là còn giữ được vóc dáng nguyên bản. Các nhịp cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu có độ khẩu nắn đặt trên các trụ xây mới. Nhưng cầu Long Biên vẫn nằm đó, vắt ngang dòng sông Mẹ như con rồng xanh ngàn năm vẫn trầm tư ngắm thành phố thân yêu đang đổi thay từng ngày.

Hà Nội của hôm nay hối hả trong dòng chảy của thời đại mới và đã có thêm nhiều cây cầu hiện đại, bề thế. Vai trò huyết mạch giao thông đã không còn, cầu Long Biên giờ chỉ dành cho người đi xe đạp, xe máy và những đoàn tàu, nhưng cây cầu vẫn không mất đi vị trí vốn có của nó trong lòng người Hà Nội: mỗi sáng, từng đoàn xe chở rau xanh, cây cảnh... vào nội thành, công nhân viên chức đến cơ quan, nhà máy, các bạn học sinh, sinh viên đến trường. Gió sông Hồng thổi qua cầu, thổi đi những giọt mồ hôi mặn mòi, vất vả của cuộc sống thường ngày.

Du khách đi bộ thăm quan trên cầu Long Biên nhân dịp Festival Cầu Long Biên năm 2010. Ảnh: TTXVN


Cho tới giờ, cầu Long Biên vẫn là cây cầu đẹp nhất Hà Nội. Dường như vẻ đẹp ẩn chứa bên trong cây cầu còn là sự thử thách cho sức sáng tạo nghệ thuật. Kiến trúc cầu là sự giao hòa của nét cổ điển và hiện đại tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho những du khách đến với Hà Nội và với cả những bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh, đem lại những cảm hứng sáng tạo cho những người yêu và gắn bó với thành phố này.

Với nhiều người dân thủ đô đang sống tại Hà Nội hay nước ngoài, cầu Long Biên là một hình ảnh không thể phai nhạt. Có lẽ vì thế mà một họa sĩ Việt kiều Pháp đã đầu tư để thiết kế một festival hoành tráng về cầu Long Biên, đó là Festival “Ký ức cầu Long Biên” được tổ chức vào tháng 10-2009. Từ một nhân chứng lịch sử, cây cầu huyền thoại của Hà thành đã trở thành nhân vật chính của một lễ hội.

Đã 112 năm trôi qua, nhưng những giá trị của quá khứ như vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu. Đất nước đổi thay, thủ đô thay đổi nhưng giá trị biểu tượng của cầu Long Biên vẫn mãi trường tồn. Vẻ đẹp và các giá trị lịch sử quá khứ cũng như hiện tại, là di sản văn hóa trong sự phát triển tương lai của Hà Nội.

Hơn một thế kỷ vẫn trung thành nối nhịp sống đôi bờ, cầu Long Biên đã và sẽ là một phần không thể thiếu của Hà Nội.



TTXVN/Tin tức
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên

Người đi, người đi…Một trăm năm…lịch sử oằn mình trĩu nặng. Đất nước bay lên trong dáng rồng, dáng phượng, trong thảnh thơi thấp thoáng dáng cây cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN