Bằng đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, từ chất liệu hạt gạo, chàng trai 9X Vũ Thế Toàn (Hà Nội) đã tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời những tác phẩm tranh phong cảnh, thư pháp sinh động và độc đáo.Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Vĩnh Phúc, đang là sinh viên năm 4, Khoa tạo dáng công nghiệp, Viện đại học Mở,Vũ Thế Toàn cùng cha mẹ trải qua cuộc sống thôn quê đầy lam lũ, vất vả từ tấm bé. Nhưng chính những khó khăn, cơ cực đó đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cũng như ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ của Toàn. Học xong cấp 3, Toàn không có ý định học lên đại học, vì cuộc sống gia đình khó khăn. Cậu vào Sài Gòn làm phụ hồ, nhưng vẫn luôn băn khoăn, trăn trở, làm sao để cuộc sống đỡ vất vả và có cơ hội giúp đỡ bố mẹ. Vậy là Toàn quyết tâm ôn thi, đỗ vào đại học. Có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với nghệ thuật, đặc biệt là sau khi biết đến tranh gạo, Toàn đã tự mày mò, nghiên cứu về nghệ thuật độc đáo này. Từ những hạt gạo trắng tinh, tưởng như vô tri vô giác, dưới đôi bàn tay khéo léo của Toàn đã trở thành những bức tranh vô cùng sinh động, có hồn.
Vũ Thế Toàn đang hoàn thiện bức tranh phố cổ Hà Nội. |
Vũ Thế Toàn chia sẻ: “Ở trong Nam, tranh gạo rất phát triển và được nhiều người biết đến, nhưng ở Hà Nội thì ít người biết đến”. Thời gian đầu, khi mới làm tranh, Toàn phải tự mày mò, vì không có sách báo, tài liệu nào hướng dẫn, những clip dạy làm tranh trên mạng cũng chỉ nói qua, không cụ thể, rõ ràng. Mất khoảng gần một năm thì Toàn làm tranh thuần thục.
Để tạo nên được một bức tranh gạo, phải trải qua những bước cơ bản sau: Chọn gạo, chọn ván gắn gạo, rang gạo để lấy sắc độ, phác thảo tranh, tra keo, gắn gạo, phơi nắng (1 - 2 ngày, tùy nắng to hay nhỏ), cuối cùng là xử lý hóa chất (làm cho tranh có sự tương phản cao, chống ẩm mốc, hạn chế mối mọt).
Tranh gạo là sản phẩm nghệ thuật được làm thủ công hoàn toàn, từ những hạt gạo được chọn lọc và đưa vào xử lý nhiệt bằng cách rang gạo. Khâu rang gạo là khâu khó khăn nhất trong quy trình tạo ra bức tranh, nó đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn và kiên nhẫn. Chia sẻ về điều này, Toàn cho biết: “Mỗi người có một phương pháp rang gạo khác nhau, làm sao phải giữ được nhiệt ổn định, để gạo không bị bung, nổ, hoặc cháy, nhưng lại cho ra nhiều màu sắc khác nhau. Từ những màu cơ bản là trắng, vàng, nâu, mình sẽ phát triển màu thành nhiều sắc độ khác nhau”. Sau khi đã tạo màu cho gạo, dựa trên hình mẫu đã phác thảo, người nghệ nhân dùng nhíp gắp từng hạt gạo xếp lên khung gỗ và kết dính chúng lại bằng keo. Ở công đoạn này, phải căn chỉnh hạt gạo sao cho đúng nét vẽ trên bức tranh đã phác thảo. Đồng thời, phối màu cho thật khéo léo và chăm chút để bố cục được hài hòa, hoàn chỉnh nhất. Tranh gạo sau khi làm xong sẽ đem phơi nắng 2 - 3 ngày để tạo độ bóng, kết dính, đặc biệt là giúp cho việc bảo quản tranh được lâu hơn.
“Thời gian giúp mình tích lũy nhiều kinh nghiệm, cứ mỗi khi hoàn thành một bức tranh, bản thân lại cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Đồng thời, lại rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm trong việc làm tranh như góc độ của những hạt gạo, đường nét, bố cục, hay việc chuyển sắc cho tranh…”, Toàn chia sẻ.
Những tác phẩm tranh gạo của Toàn chủ yếu là tranh về phong cảnh, chữ thư pháp, hình ảnh về phố cổ Hà Nội, làng quê, đất nước Việt Nam hình chữ S, thiếu nữ mặc áo dài... Toàn chia sẻ: “Làm tranh gạo rất cầu kỳ, với những bức tranh có kích thước lớn phải mất khoảng 10 ngày, có khi 15 - 20 ngày mới xong, chưa kể thời gian phơi tranh”.
Theo chia sẻ của nhiều người yêu thích tranh nghệ thuật thì tranh gạo rất bền màu. Bề ngoài tuy không cầu kỳ, sặc sỡ nhưng tranh gạo lại mang ý nghĩa lớn. Bởi hạt gạo tượng trưng cho sự ấm no, đầy đủ, hạnh phúc. Treo tranh gạo trong nhà khiến người ta có cảm giác gần gũi và ấm cúng. Người làm tranh thì tỉ mỉ, chăm chút cho tác phẩm của mình sao cho hoàn chỉnh và ưng ý nhất. Còn người mua tranh thì lại trân trọng và yêu quý những bức tranh đó bởi chính sự chăm chút, tỉ mỉ và đầu tư về thời gian ấy.
Có lẽ, chính bởi những yếu tố kể trên mà tranh gạo đang dần dần chiếm được tình cảm của nhiều người, đặc biệt là người yêu tranh nghệ thuật. Hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều nghệ nhân tâm huyết như Vũ Thế Toàn, để tranh gạo ngày càng được phát triển, mở rộng nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam với du khách trong nước và bạn bè quốc tế.