18 tuổi, Nguyễn Trí Quang (ảnh) đã kịp là chủ website 3D đầu tiên của Việt Nam, giới thiệu hàng trăm mẫu cổ vật, linh vật và di sản Việt. Mơ ước của Quang là thành lập một ngân hàng dữ liệu số về di sản Việt Nam.Chỉ với một vài cú click chuột vào trang web vr3d.vn, người xem có thể tham khảo hàng trăm mẫu cổ vật, linh vật và di sản Việt với nhiều góc độ, có thể phóng to, thu nhỏ, cũng có thể zoom vào từng chi tiết của mẫu vật để xem được mọi góc độ sống động như thật. Trong số các mẫu vật được đăng tải trên trang web 3D của Quang, nhiều linh vật có giá trị độc đáo như sư tử đá thời Lý ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), bệ sư tử thời Lý còn tương đối hoàn hảo thuộc loại lớn nhất Việt Nam tại chùa Hương Lãng (Hưng Yên), nghê đá ở bậc thềm Đại nội Huế; rồng đá cổ chầu bên điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)...
Nguyễn Trí Quang sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều “duyên nợ” với điêu khắc. Ông Nguyễn Trí Dũng (bố Quang) là người học mỹ thuật và đam mê vốn cổ, nên ngay từ nhỏ, Quang đã thường theo bố đi đến các đình, chùa, chụp lại những mẫu linh vật Việt để phục vụ cho việc chế tác các sản phẩm mỹ nghệ của gia đình. Những chuyến đi ấy đã khiến Quang dần yêu thích và đam mê với linh vật.
Cuối năm học lớp 8, khi lập website giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ của gia đình, Quang nhận thấy những bức ảnh thường không lột tả hết vẻ đẹp, góc cạnh của các sản phẩm, nên đã nảy ra ý tưởng quét 3D những mẫu hiện vật đưa lên web để người xem có thể xem được sản phẩm một cách đầy đủ, kỹ lưỡng, như vậy việc quảng bá sản phẩm sẽ hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, việc tạo lập một website 3D ở Việt Nam từ trước đến nay chưa có ai làm, ngay cả trên thế giới, những trang web như vậy cũng chưa nhiều, để có thể làm được thì cần phải tốn rất nhiều thời gian, nếu không sẽ khó hoàn thành. Trong gần một năm, ngoài thời gian học trên lớp, Quang đã tìm tòi, nghiên cứu và đến cuối năm lớp 9, đã lập trình xong và đưa những hình ảnh 3D đầu tiên lên trang web vr3d.vn của mình. Tuy vẫn còn có một vài nhược điểm, nhưng thành quả ban đầu của Quang đã khiến gia đình yên tâm và tin tưởng vào khả năng cũng như đam mê của con trai.
Trong nhiều năm trời, cứ hễ nghe nói ở đâu có thông tin về những linh vật, cổ vật đẹp, độc đáo, hai bố con Quang lại khăn gói lên đường tìm đến, thuyết phục những người trông coi di tích cho phép chụp, quét dữ liệu 3D. Sau mỗi chuyến đi ấy, số lượng mẫu vật mà Quang lưu giữ được ngày càng nhiều hơn. Trong đó có nhiều hình ảnh về các di sản vô cùng quý hiếm, nhưng lại ít được biết đến như nghê đá trong phế tích lăng Đĩnh Quận công Ngô Công Mỹ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) hay cặp sư tử thời Trần khá hiếm còn sót lại trong chùa Bóng (Hậu Bổng, Hải Dương)...
Cho đến nay, trang web của Quang đã đăng tải trên 100 hình ảnh linh vật Việt. Không chỉ thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu, mà nhiều nghệ nhân ở các làng nghề chế tác linh vật Việt cũng tìm đến với trang web như một nguồn tư liệu quý, nhất là từ khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành công văn 2662 về việc không sử dụng các linh vật ngoại lai tại di tích, nhiều người đã vào trang web của Quang tìm mẫu linh vật Việt và chế tác theo mẫu.
Chia sẻ về mục tiêu của mình trong thời gian tới, Nguyễn Trí Quang cho biết, Quang muốn sử dụng công nghệ 3D để làm dự án số hóa di sản văn hóa ở Việt Nam, làm nên ngân hàng dữ liệu số, phục vụ lưu trữ, nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt đến nhiều người hơn. "Tới đây, em sẽ bổ sung thêm cả phần đo đạc, đưa những tỷ lệ chi tiết của từng hoa văn, họa tiết vào các mẫu vật, để giúp cho những người có nhu cầu nghiên cứu, phục dựng các mẫu linh vật dễ dàng hơn, chuẩn xác hơn”, Nguyễn Trí Quang tâm sự.
Phương Hà