Hội thảo thu hút đông đảo các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa và nhà tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong nước, quốc tế chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam; vấn đề chuyên nghiệp hóa các sự kiện nghệ thuật trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa...
Theo nhiều đại biểu: Những năm gần đây, không chỉ nhà nước, cá nhân nghệ sỹ mà các các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đã tham gia lĩnh vực nghệ thuật. Điều này góp phần tạo nên các không gian nghệ thuật, sản phẩm, chương trình nghệ thuật đa dạng, hấp dẫn... thu hút nghệ ̣ sỹ trong nước, quốc tế, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chúng. Có thể kể tới một số sự kiện như Festival Huế năm 2000, các chương trình nghệ thuật thực cảnh như Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An… Nhưng để vươn tới một nền công nghiệp văn hóa thực thụ thì chặng đường vẫn còn dài.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu liên kết trong các mắt xích từ nhà tổ chức, nghệ sỹ, đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm, truyền thông, tài trợ, nhà quản lý… Việc chưa tạo được môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, chưa có những sản phẩm âm nhạc thương hiệu đã làm "vuột" mất nhiều cơ hội lớn trong giao lưu và kết nối âm nhạc.
Nhạc sỹ Quốc Trung cho rằng để có thể mời được một ngôi sao lớn đến nước ta biểu diễn thì yêu cầu họ đặt ra không chỉ là kinh tế mà còn là các điều kiện đi kèm mà nhiều khi Việt Nam chưa thể đáp ứng được. Chính vì thế, thời điểm này điều Việt Nam cần hướng tới là xây dựng thương hiệu nghệ thuật hấp dẫn để lan tỏa và kết nối được mạnh mẽ hơn nữa tinh hoa âm nhạc dân tộc.
Để thay đổi và tạo nên tính chuyên nghiệp trong xây dựng công nghiệp văn hóa các ngành chức năng cần phải tiến hành đồng bộ một số yếu tố. Cụ thể là các bên liên quan phải nâng cao nhận thức của người dân, nghệ sỹ và cơ quan quản lý; xây dựng thương hiệu cho nghệ sỹ, diễn viên và đặc biệt xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử nghề nghiệp để đảm bảo mọi việc phải được tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc.
Tại hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng để tạo được sự chuyên nghiệp trong tổ chức sự kiện tại Việt Nam, cần có sự kết nối, tạo ra mạng lưới chặt chẽ giữa nhà tổ chức, nghệ sỹ, đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm, cũng như những người làm truyền thông, nhà tài trợ... Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần nâng dần chất lượng cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn với các điều kiện về kỹ thuật đạt tiêu chuẩn cơ bản, để thu hút nghệ sỹ quốc tế đến nước ta, tạo sự hội nhập của nghệ thuật trong nước với quốc tế.