“Chiến tranh đất sét” của điêu khắc gia tuổi 17

Khi cuộc chiến giải phóng Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria khỏi vòng kiềm tỏa khủng bố đang diễn ra ác liệt, có một thiếu niên 17 tuổi cũng tự mình phát động một cuộc “chiến tranh đất sét” để chống lại bạo tàn trên mặt trận văn hóa.

Ngôi làng nơi chôn rau cắt rốn của Nenous Thabit nằm ở Nimrud, thành phố 3.000 năm tuổi ở Iraq, từng là thủ đô của đế chế Assyria trải dài từ Ai Cập đến nhiều phần lãnh thổ ngày nay của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong con mắt của cậu thiếu niên theo đạo Cơ đốc và là hậu duệ của người Assyria này, thành phố Nimrud là cả một niềm tự hào và những tác phẩm nghệ thuật ở đây là tài sản của ông cha để lại.

Nenous Thabit và các tác phẩm điêu khắc của mình.

Nhưng năm 2015, một năm sau khi bắt đầu cuộc tấn công vào thành phố Mosul và các thị trấn lân cận, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã san bằng thành phố cổ đại Nimrud, điên cuồng phá hủy những biểu tượng bị chúng xem là biểu hiện của sự sùng bái. Thế giới chỉ biết nín lặng theo dõi hình ảnh IS dùng búa tạ và khoan điện hủy hoại các tác phẩm giàu giá trị khảo cổ học của thành phố này. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã gọi hành động này của IS là tội ác chiến tranh.

Hành động của IS tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của cậu thiếu niên 17 tuổi. “Chúng phát động một cuộc chiến về nghệ thuật và văn hóa, vì vậy cháu quyết định chiến đấu với chúng bằng nghệ thuật”, Nenous cho hay. Xuất phát từ cách nghĩ này, Nenous nảy ra ý tưởng chống đối tổ chức khủng bố khét tiếng theo cách thức riêng, vừa sức với bản thân và phù hợp với niềm đam mê của cậu. Một năm qua, bằng chính đôi bàn tay của mình, cậu thiếu niên Nenous đã nhào nặn và tạo nên18 bức tượng theo phong cách của đế chế Assyria cùng một bức tranh treo tường, chính là bản sao của những tác phẩm bị IS phá hủy ở Nimrud và các khu vực cổ khác nằm bên trong và xung quanh thành phố Mosul.

“Lửa cháy” qua nhiều thế hệ

Bên trong một căn hộ khiêm tốn ở thành phố Irbil của người Kurd, nơi Nenous cùng gia đình đến tị nạn sau khi rời khỏi Mosul, người nghệ sĩ trẻ tỉ mẩn gia công bộ râu của Lamassu, một vị thần bảo vệ của Assyria. Để hoàn thành tác phẩm này, Nenous phải mất 15 ngày lao động nghệ thuật nghiêm túc. Theo chia sẻ của Nenous, Lamassu là mẫu tượng yêu thích của cậu thiếu niên này. “Đây là sinh vật mạnh nhất trong di sản Assyria. Lamassu có đầu người, mình sư tử, chân bò và cánh kền kền”, Nenous cho biết.

Tình yêu điêu khắc đến với Nenous một cách tự nhiên và gia truyền khi chính bố cậu ông Michael Thabit cũng là một nghệ nhân điêu khắc. Từ khi còn là một cậu bé 7 tuổi, Nenous đã được bố đưa đến các buổi hội thảo của mình và được chơi nghịch cùng đất sét. Theo lời kể của ông Michael, ông không tốn nhiều công sức truyền nghề cho cậu con trai của mình. “Nenous là một người học vô cùng nhanh. Tôi thấy rất nhiều tiềm năng ở thằng bé”, ông nói. Kể từ thời điểm đó đến năm 2015, điêu khắc trở thành sở thích và trò chơi của Nenous những khi cậu không đến trường. Nhưng sự kiện IS tấn công vào di sản tổ tiên đã khiến Nenous coi đây là một công việc nghiêm túc. “Ở Iraq, có những người bị sát hại bởi vì họ là nhà điêu khắc, bởi vì họ là những người nghệ sĩ. IS xem họ là người bỏ đạo. Vì vậy tiếp tục điêu khắc chính là một thông điệp rằng chúng cháu sẽ không bị dọa dẫm bởi những tên ác quỷ đó”, Nenous khẳng định.

Người nghệ sĩ trẻ Nenous Thabit đang nuôi hy vọng có thể theo học tại trường nghệ thuật ở thành phố Dohuk của người Kurd trong năm sau. “Giấc mơ của cháu là trở thành một nghệ sĩ danh tiếng ở Iraq để khiến đất nước cháu tự hào và cho thế giới thấy chúng cháu ở Iraq yêu cuộc sống và trân trọng di sản của mình”. Trong khi chờ đợi giấc mơ đó thành hiện thực, ngoài việc tiếp tục sáng tạo với cuộc “chiến tranh đất sét” của mình, Nenous còn tổ chức các buổi hội thảo để truyền cảm hứng cho trẻ em về di sản của đất nước, dạy những đứa trẻ khác cách tạo ra một tác phẩm điêu khắc từ đất sét, như chính những bài học cậu có được từ những trò chơi năm xưa từ bố.

Theo thống kê thiệt hại các tác phẩm nghệ thuật, tại Iraq, IS đã phá hủy ba bức tượng vị thần bảo vệ Lamassu. Một bức tượng bị phá hủy ở Nimrud, một bức khác bị phá hủy ở Cổng Nergal, tỉnh Nineveh và bức tượng Lamassu thứ ba bị IS phá hủy ở Bảo tàng Mosul.


Vũ Anh (Tổng hợp)
Alexa Meade, cô gái có niềm say mê cái bóng
Alexa Meade, cô gái có niềm say mê cái bóng

Thế giới có gần 7,5 tỷ dân với mỗi cá nhân có một giấc mơ để theo đuổi. Với Alexa Meade, người nghệ sĩ sắp đặt trẻ tuổi của nước Mỹ, cô có một niềm say mê với cái bóng của vạn vật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN