SLNA đang là nhà ĐKVĐ, nhưng với lối chơi khá đơn điệu, chém đinh chặt sắt và phụ thuộc quá nhiều vào ngoại binh, lộ trình bảo vệ ngai vàng của đội bóng xứ Nghệ ở mùa giải này hứa hẹn rất nhiều chông gai. Trong khi đó, HN.T&T của đất Thăng Long (vẫn được xem là thế rồng cuộn hổ ngồi) được kỳ vọng sẽ cất cánh bằng lối chơi nhuần nhuyễn theo kiểu “tiqui-taca”.
Về mặt lối chơi, có thể vắn tắt 3 trường phái chính ở Super League 2012. Một là HN.T&T, thứ hai là những đại gia kiểu B.BD, HA.GL, V.NB, Sài Gòn FC, SHB.ĐN và SLNA, phần còn lại với những đội bóng sẽ phải chiến đấu giành suất trụ hạng như CLB bóng đá Hà Nội, Hải Phòng, K.KH, Đồng Tháp, K.Kiên Giang và thậm chí cả N.SG. Tất nhiên, trường phái nào lên ngôi (hay xuôi về hạng Nhất), chỉ thời gian mới cho câu trả lời.
HN.T&T sẽ tiếp tục là đội bóng đáng xem bậc nhất Super League. Ảnh: VSI
1. Cho đến sau này, ngay cả khi HLV Hữu Thắng và SLNA đã là nhà vô địch tuyệt đối về điểm số ở V-League 2011 (tiền thân của Super League 2012), nhưng giới chuyên môn đều vẫn phải thừa nhận, HN.T&T là đội bóng duy nhất ở dải đất hình chữ S thể hiện được “cá tính” trong lối chơi. Vậy lối chơi của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng là gì và cá tính được thể hiện như thế nào?
Mô-típ chủ đạo trong cách làm chiến thuật của HLV họ Phan là việc đề cao quyền kiểm soát bóng với các đường ban ngắn dày đặc về mật độ, di chuyển không bóng liên tục và tạo cho cầu thủ tâm lý thoải mái, được chơi bóng với sự sáng tạo thực sự. HN.T&T có thể không phải là nhà vô địch về điểm số ở mùa giải trước, nhưng họ là quán quân về tỷ lệ cầm bóng, chắc chắn rồi!
Đội bóng Thủ đô HN.T&T là một trường phái, không nhầm lẫn với bất cứ đội bóng nào ở dải đất hình chữ S và tất nhiên, không có bản sao. Sau lần vồ hụt chức vô địch ở thành Vinh, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng sẽ trở lại bằng sự ổn định thậm chí còn cao hơn 2 mùa trước đó. Với sự xuất hiện của “mũi tên đen” Samson, HN.T&T sở hữu vũ khí chiến thắng hạng nặng. Không vô địch đã là sự thất bại rồi!
2. Nói ra, có thể nhiều người sẽ chạnh lòng. Nhưng B.BD thực sự không còn mang dáng dấp của nhà vô địch, như chu kỳ 2006-2008 nữa. Nó bắt đầu từ chính sách lấy sao không hợp thời, tạo nên cuộc khủng hoảng thừa, rồi sự thiếu ổn định trong cabin BHL đội bóng đất Thủ và cả sự lão hóa của đội hình vốn giàu tính chiến đấu trước đây, nhưng giờ lại cảm giác no nê thành tích, giảm thiểu sức bật.
Những đội bóng như B.BD hay HA.GL sẽ vẫn tôn thờ lối chơi tấn công, đương nhiên rồi, nhưng lỗ hổng ở tuyến phòng ngự là cực lớn. Đất Thủ mới đưa về Nguyễn Hoàng Helio và cùng với Van Bakel, Chí Công, Huỳnh Phú…, họ có rất nhiều sự lựa chọn. Nhưng để chọn một (hoặc vài) cái tên để “gửi vàng” thì lại băn khoăn. Khả dĩ nhất trong hệ thống hàng phòng ngự 4 người của họ vẫn là cái tên cũ Quang Thanh.
Để có thể làm đối trọng thực sự với HN.T&T, có lẽ chỉ còn SLNA, Sài Gòn FC và SHB.ĐN. Ngoài lối chơi được kiện toàn, bằng rất nhiều các cái tên thuộc hàng sao số trong đội hình thì một trong những trở ngại lớn nhất của 3 cái tên này lại là vấn đề tài chính. SLNA vẫn nghèo như chính mảnh đất này, trong khi SHB.ĐN đã bị thắt lại hầu bao từ mùa giải trước, còn Sài Gòn FC bị cho là lắm thầy nhiều ma.
3. Với phần còn lại, K.Kiên Giang hay đội bóng xứ bưng biền Đồng Tháp, Hải Phòng, K.KH…, tất nhiên phải liệu cơm gắp mắm với mơ ước cũng của con nhà nghèo. Khả dĩ nhất trong số này là K.KH, bằng lối chơi đã được xác lập từ nhiều năm nay qua bàn tay của HLV Hoàng Anh Tuấn. Thể lực sung mãn, cùng sự lì lợm của cầu thủ K.KH còn có thể là vô đối. K.KH sau cuộc thay máu lực lượng sẽ lại “ngổ ngáo”?
Lối chơi được xác lập trên nền tảng con người mà đội bóng sở hữu. Nhưng khi Super League là cuộc đua đường trường, cũng cần phải có những tính toán hợp lý. Đó cũng là một thể loại chiến thuật. Anh nào bảo, chỉ tính từng trận đấu một là không hiểu gì về bóng đá. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, nhưng một đội bóng cũng cần phải biết cương (với ai), biết nhu và biết bung sức đúng thời điểm, thế mới khôn!
Theo thethaovanhoa.vn