Theo Tiến sĩ xã hội học Nhạc Phan Linh, Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), kết quả khảo sát về văn hóa ứng xử của công chức Hà Nội cho thấy, nhiều người đánh giá một số nơi còn ứng xử chưa phù hợp giữa công chức với người dân đến làm việc. Người dân phàn nàn nhiều nhất ở bộ phận tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính do họ phải đợi chờ, không được giải thích rõ ràng, cán bộ không linh hoạt trong giải quyết công việc khiến họ mất nhiều thời gian cho những thủ tục rất đơn giản.
Ngoài ứng xử giữa công chức với công dân, dư luận còn nhắc đến nhiều là ứng xử của công chức với đồng nghiệp, ứng xử của công chức tại nơi cư trú, nơi công cộng. Dù ở đâu, nơi nào cũng xảy ra các hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của một bộ phận công chức, trong khi đối tượng này lẽ ra phải gương mẫu trong ứng xử văn minh, là nòng cốt để lan tỏa những giá trị tốt trong cộng đồng.
Giải thích vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa xã hội thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, nhiều công chức có cách ứng xử lệch chuẩn không phải vì trình độ văn hóa kém, học thức kém mà vì sự nhận thức, hiểu biết về vai trò, vị trí, chức năng của người cán bộ, công chức không đúng. Những công chức này không hiểu hết cái gốc là công bộc của dân, làm dịch vụ công để phục vụ nhân dân nên nhiều lúc có những lời nói, hành động không chuẩn mực. Tuy cách ứng xử đó là những biểu hiện bên ngoài nhưng tác động lớn đến hiệu quả dịch vụ, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
Thời gian qua, Hà Nội xảy ra trường hợp hai lãnh đạo sở, ngành có ứng xử không đúng với nhà báo khi họ liên lạc tìm hiểu sự việc. Tiếp đến là vụ việc một công chức thanh tra giao thông hành hung nữ nhân viên hàng không, hay trường hợp công chức Sở Nội vụ đánh bị thương một cụ già, khiến dư luận bức xúc về đạo đức, văn hóa ứng xử của công chức. Tất cả những công chức này đều bị xử lý nghiêm khắc và cũng từ đó, văn hóa ứng xử của công chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính của Hà Nội đã được chấn chỉnh.
Ngay tại kỳ họp HĐND thành phố mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố sẽ lựa chọn chủ đề công tác năm 2017 là năm “Kỷ cương hành chính” nhằm nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, thái độ, văn hóa ứng xử cả cán bộ, công chức Thủ đô.
"Phép màu" từ Bộ quy tắc?
Được triển khai xây dựng từ tháng 8, Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội đã hoàn thành dự thảo vào tháng 11, hiện đang trình Thành ủy Hà Nội cho ý kiến để UBND thành phố ban hành. Bộ quy tắc này sẽ được ban hành đồng thời với Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, công chức sẽ là lực lượng nòng cốt trong thực hiện quy tắc ứng xử, gương mẫu trong các hoạt động cộng đồng.
Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội sẽ hướng công chức cách ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử với công dân và các quan hệ xã hội, ứng xử giữa các cơ quan với nhau, trên cơ sở lấy từ thực tiễn để triển khai trong thực tiễn để công chức có thể dễ dàng tiếp cận.
Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: Khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức, lãnh đạo thành phố yêu cầu lồng phong cách đặc trưng của người Hà Nội vào bộ quy tắc, yêu cầu công chức phải thể hiện nét thanh lịch, văn minh nhằm khơi dậy và phát huy nét đẹp văn hóa riêng có của Hà Nội.
Chính vì vậy, bộ quy tắc dành hẳn một chương đề cập đến ứng xử của công chức với công dân và các quan hệ xã hội. Ngoài sự niềm nở, lịch sự với công dân, bộ quy tắc còn hướng công chức biết lắng nghe, thấu hiểu, kiên nhẫn, nhiệt tình với công dân. Trong mọi tình huống, công chức không được to tiếng, quát nạt, thóa mạ, có hành vi khiêu khích, tấn công công dân.
Tại nơi công cộng, công chức cũng không được vi phạm chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc. Trong ứng xử với đồng nghiệp và ứng xử với cơ quan phải có tác phong đúng mực, diện mạo lịch sự, hài hòa…
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh, quy tắc ứng xử luôn phải phù hợp với văn hóa chung của con người. Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn nên công chức phải tự mình xác định hành vi cao hơn các địa phương khác về mọi phương diện. Có nghĩa phải ứng xử thanh lịch, văn minh, từ lời nói, cử chỉ, thái độ, trang phục đều phải tinh tế.
Trong thời gian sắp tới, Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội sẽ đi vào cuộc sống để hướng công chức đến với những chuẩn mực trong công việc và cuộc sống. Dù không hy vọng bộ quy tắc này sẽ là phép màu làm thay đổi nhanh chóng phong cách ứng xử của công chức nhưng nó sẽ tác động tới ý thức, trách nhiệm của công chức theo kiểu "thấm dần". Vấn đề này cần trải qua một quá trình triển khai, áp dụng, đến khi các công chức nhận thấy như thế là nên và cần thì lúc đó mới có thể tự giác chấp hành.