Chợ vùng cao ngày Tết sẽ thu hút du khách với hoạt động xuống chợ, vui chơi, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, ẩm thực, sản vật của đồng bào Mông, Dao, Tày, Kháng…
Đặc biệt, 12 nghệ nhân đồng bào dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn sẽ giới thiệu nghệ thuật múa Khèn - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trong không gian chợ vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I.
Với đồng bào Mông, khèn là biểu tượng văn hóa, nhạc cụ, nhạc khí kết nối với thế giới tâm linh, phương tiện kết nối cộng đồng. Nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mông gắn liền với chiếc khèn. Diễn tấu khèn là loại hình nghệ thuật độc đáo. Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc sẽ giới thiệu, trình diễn nghề thủ công truyền thống. Đó là sắc màu thổ cẩm của nghề thêu và trang trí hoa văn trên vải của nhóm Dao tỉnh Bắc Kạn; nghề đan lát truyền thống của các dân tộc đến từ Bắc Kạn, Điện Biên.
Trong không gian chợ vùng cao phía Bắc, đồng bào dân tộc Kháng tỉnh Điện sẽ tái hiện lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn). Đây là lễ hội, tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo, đặc trưng tiêu biểu chỉ có ở dòng họ Lò Khul mà các dòng họ khác của dân tộc Kháng trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có. Lễ Pang Phoóng là lễ hội nhằm tạ ơn tổ tiên, thần linh; nhắc nhở, răn dạy con cháu luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc...
Đồng bào dân tộc Dao tỉnh Bắc Kạn sẽ tái hiện Lễ cầu năm mới, cầu mùa. Lễ này thường diễn ra dịp cuối năm hoặc đầu năm mới, vào ngày Thìn hoặc ngày Sửu để mang lại may mắn cho bản làng. Bằng các nghi lễ truyền thống, điệu múa cầu mùa trong nghi thức cũng thể hiện sự tôn kính với thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Lễ này thể hiện nét truyền thống, ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc Dao.
Đồng bào dân tộc Mường, Thái, Nùng tỉnh Sơn La thi thổi xôi ngũ sắc và mâm cơm mừng năm mới. Các đội thi sẽ chuẩn bị nguyên liệu thô, giã thóc thành gạo, lấy lửa tự nhiên, nấu xôi.
Các nhóm sẽ đồ các chõ xôi màu sắc khác nhau. Xôi màu đỏ được gọi là “khảu đeng”, gạo được ngâm với cây khảu đeng. Xôi màu tím được gọi là “khảu cắm” được ngâm với cây khảu cắm. Xôi màu vàng được gọi là “khẩu lương” thì ngâm gạo với hoa bó phón. Xôi màu xanh còn gọi là “khảu kheo”, gạo được ngâm với lá cơm nếp hoặc lá dứa. Xôi màu trắng được gọi là “khảu đón” để nguyên.
Sau khi xôi chín, các nghệ nhân sẽ trình bày mâm xôi ngũ sắc để giới thiệu đến du khách. Đồng bào sẽ giới thiệu “Mâm cơm đoàn kết” đón chào năm mới với các món ăn đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái...