Nghệ sĩ Nguyễn Minh Nhật với phần biểu diễn 5 tiểu khúc dành cho Sáo. Ảnh: Minh Đức - TTXVN. |
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập học viện. Các nhà khoa học, nhà sư phạm đến từ các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, các đơn vị nghiên cứu khoa học có uy tín trong nước và nước ngoài đã tham dự và đóng góp ý kiến.
Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: Hội nhập đã trở thành một xu thế toàn cầu, của tất cả các quốc gia có nền kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta hiện nay đã và đang tạo cho Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam những cơ hội để tiếp tục phát triển và khai thông những dự án trong khuôn khổ hợp tác quốc tế.
Chỉ tính riêng khoảng 20 năm trở lại đây, Học viện đã có tới hàng trăm dự án quốc tế với những hình thức, qui mô và nội dung khác nhau, được triển khai cùng các quốc gia có nền âm nhạc phát triển như: Nga, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, Áo, Tây Ban Nha, Australia, các nước Đông Á…
Nhờ các mối quan hệ hợp tác sâu rộng trên cả ba lĩnh vực: đào tạo, biểu diễn và nghiên cứu khoa học, chúng ta đã có điều kiện để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cấp về chuyên môn, đồng thời, quảng bá, giới thiệu với đông đảo bạn bè quốc tế nền âm nhạc truyền thống Việt Nam giàu bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn cũng chỉ rõ: Ngoài những lợi ích được hưởng, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức mới về trình độ chuyên môn cũng như các năng lực khác như tài chính; môi trường hợp tác, đầu tư; khả năng thực hiện các cam kết chung… Vì vậy, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cần không ngừng phát huy nội lực và tiềm năng để trở thành một điểm đến của các chuyên gia quốc tế có uy tín, một địa chỉ tin cậy, có khả năng thu hút đầu tư và từ đó, trở thành môi trường hấp dẫn các lưu học sinh, nghiên cứu sinh nước ngoài tới học tập và làm việc.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thành tựu và những mặt còn hạn chế trong đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển và những chuẩn bị cần thiết cho quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã trao đổi về quy trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng âm nhạc; làm rõ vai trò của các hoạt động nghiên cứu khoa học và biểu diễn đối với công tác đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trong xu thế hội nhập hiện nay, sự nghiệp đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp đang đứng trước những yêu cầu mới rất phức tạp như: tăng trưởng về chất lượng; đa dạng về phong cách, thể loại để đáp ứng đòi hỏi của người nghe; có thể cọ sát, ganh đua và sánh vai cùng bạn bè ở mặt bằng nói chung.
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thu Hà nhấn mạnh: Muốn hội nhập, chúng ta phải có sự học tập, nghiên cứu, tìm hiểu nghiêm túc, đầy đủ về tình hình, tốc độ phát triển cũng như những xu thế mới trong đào tạo âm nhạc trên thế giới hiện nay để xây dựng một quy trình đào tạo chặt chẽ, mang tính khoa học.
Trong đó, yếu tố quan trọng đầu tiên là hình thành đội ngũ người thầy có chất lượng cao và phát triển mạnh hơn nữa về số lượng. Bởi đây là ngành mang tính đặc thù, những giờ học chuyên môn thường là một thầy một trò. Thời gian người thầy làm việc với học trò, dẫn dắt học trò là một quá trình lâu dài trong nhiều năm. Bên cạnh vai trò của đội ngũ giảng dạy, cần phải thay đổi qui trình, phương pháp đào tạo để có thể đi bằng con đường ngắn hơn nhưng có kết quả cao hơn; cần đưa vào chương trình giảng dạy một tỷ lệ nhiều hơn các tác phẩm đương đại để sự nghiệp đào tạo mang nhiều hơi thở của thời đại.
Các chuyên gia nước ngoài đến từ Thái Lan, Lào, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha… cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tại hội thảo, nhằm chia sẻ về những hướng đi mới của cộng đồng âm nhạc truyền thống các nước Đông Nam Á; sự kế thừa, quảng bá văn hóa âm nhạc truyền thống; vấn đề ngoại giao trong âm nhạc…. Đây là những kinh nghiệm quý báu, góp phần giúp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam xây dựng được lộ trình cụ thể cho sự nghiệp phát triển đào tạo trong xu thế hội nhập.