Bài báo viết: “Để đáp ứng ý thích, người ta làm ra màu sắc.
Không ai là thánh mà cũng chẳng ai là quỷ dữ. Không ai ngu ngốc hoặc
thông thái tuyệt đối. Cả hai, Guardiola và Mourinho, đều huấn luyện
nhiều và nói nhiều. Vả cả hai, một người Tây Ban Nha và một người Bồ Đào
Nha, đều tìm kiếm một thứ: chiến thắng. Họ ngồi trên hai băng ghế chỉ
đạo quan trọng nhất và do đó bị soi kỹ nhất. Sự khác biệt về cá tính của họ đã đẩy cuộc đối đầu giữa hai đối thủ truyền kiếp lên đỉnh điểm.
Hãy
bình tĩnh xem xét. Mou đã chuẩn bị cho việc đưa Benzema vào đội hình
chính thức trong trận đấu hôm thứ ba vừa qua bằng cách phê phán cuộc
tranh luận của báo chí. Thông qua các phương tiện truyền thông, Mou muốn
gửi thông điệp của mình tới đội quân do ông dẫn dắt, bằng cách chỉ
trích những ai “muốn gây sự đối đầu” giữa các cầu thủ của Madrid trong
khi ông muốn “đoàn kết và làm nên một đội bóng”. Đó là một chiến thuật
hiệu quả, rõ ràng như vậy. Mou đã làm được cái điều ông muốn là người ta
nói về mình, là các nhà báo đổ xô vào đề tài có nên hay không nên mở ra
một cuộc tranh luận trên báo chí. Bằng cách như vậy, Mou làm cho các
nhà báo cảm thấy hài lòng với việc để Higuain trên băng ghế dự bị sau
khi có ba cú “hat-trick”, vì HLV đâu có cắt mạch ghi bàn của tiền đạo
người Argentina mà chỉ muốn làm nên sự thống nhất của một đội bóng. Tất
cả các nhà báo chúng ta bị Mou hướng vào điều mà Mou muốn: nói về Mourinho.
Chỉ với một câu “người đặc biệt” đã giành được hai mục tiêu, nói cách khác “bắn chết hai con chim bằng một phát súng”. Báo
chí bị lôi cuốn vào những thông điệp của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha.
Nhiều nhà báo còn hưởng ứng bằng những lời lẽ như “Jose Mourinho làm
nên các tít lớn”, “các phát biểu của Mou là một buổi trình diễn”, “tin
tức ở trong phòng họp báo và ở cả trên sân cỏ”, “nếu không có bóng đá
hay thì đã có Mou”. Tại sao lại như vậy, vì một người như Mou luôn tạo
việc làm cho các nhà báo. Mou biết thế và sử dụng luôn báo chí.
Nhưng Mou có thông minh không ? Theo
tôi, người thông minh là người biết tạo ra một phản ứng ngay lập tức
trong tư duy của người đối thoại và tận dụng được điều này.
Còn
Pep thì sao? Mặc dù tuyệt vọng vì chả trọng tài nào cho Messi được
hưởng phạt đền trong những tình huống rõ mười mươi, nhưng Pep vẫn chọn
một thông điệp nhẹ nhàng: “Messi không ngã đẹp. Nếu Messi ngã trong vòng cấm địa thì đó là penalti, đừng có ai nghi ngờ điều đó”.Chiến lược của Pep cũng rõ ràng: trong khi Madrid "khóc để được bú" thì Barca thích cười để được lòng người. Họ cùng tìm kiếm một mục đích nhưng dấu ấn mà họ để lại trong báo chí, cổ động viên và trọng tài là khác nhau.
HLV Guardiola - Ảnh Getty
Nhìn
theo cách đó thì Guardiola thông minh hơn Mourinho. Cách nhìn chung bây
giờ là Barca có một mô hình đang đem lại kết quả tốt đẹp. Qua những
giai đoạn thăng trầm, Barca đã đuổi kịp và vượt qua Madrid. Mô hình đó
đã được Guardiola đưa lên thành một thứ tôn giáo. Tóm lại Guardiola là
người thông minh, nhìn sâu vào mình và đội bóng của mình và từ đó vạch
ra một kế hoạch. Còn Mourinho là người nhanh trí, biết sử dụng tất cả
các loại vũ khí để giành thế trận hàng ngày. Điều kém may mắn của Mou là
phải đương đầu với một đội bóng xuất sắc nhất trong thời kỳ hiện nay,
và chắc chắn là một trong những đội bóng quan trọng nhất trong lịch sử
bóng đá thế giới.
Nhưng
có một HLV ở một đội bóng khác cũng được thế giới thừa nhận, lại kết
hợp được cả hai tính cách nói trên: vừa có danh hiệu, vừa có uy tín, vừa
bị thù ghét, vừa được khâm phục, đó là Sir Alex Ferguson. Ông
luôn nói tốt về đối thủ trước mắt của mình, nhưng lại biết để cái mồm
luôn nhai kẹo cao su tuôn ra những lời “dã man” nhất nếu ông thấy cần
thiết phải làm thế. Có thể kinh nghiệm của ba thập kỷ cầm quân đã giúp
ông trở thành người nhanh trí với sự thông minh.
Và
có một HLV khác sống và huấn luyện cùng một cách: đó là làm theo lý
trí. Không bao giờ lớn tiếng, không muốn gây ra các cuộc tranh cãi nhưng
không từ chối các cuộc tranh luận. Và ông là nhà vô địch thế giới,
Vicente del Bosque.
Theo TH-VH