Nhà văn Trần Thị Trường (ảnh) (SN 1950) viết văn khi tuổi không còn trẻ, nhưng chị lại thành công ngay với tiểu thuyết đầu tay “Lời cuối cho em”, mà ở đó người phụ nữ luôn được chị dành cho mối cảm tình đặc biệt. Và cũng kể từ đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người đàn bà trong tác phẩm của chị cũng đều được chị viết bằng cái nhìn và trái tim đa cảm.
Luôn đồng cảm dù họ là ai
Trước khi đến với nghề văn, Trần Thị Trường từng đeo đuổi một nghề khác và say mê với nó, đó là hội họa. Nhưng văn học như mạch nước ngầm sẵn có trong mỗi người, sẵn sàng cho dòng nước mát lành khi được khơi đúng nguồn. Chỉ có điều, người thì nói ra, người thì cất giữ, người tài giỏi diễn đạt bằng ngôn ngữ trau chuốt và rèn luyện mà có, bằng không thì họ kể câu chuyện theo cách của riêng mình.
Với chị cũng vậy. Những truyện ngắn ban đầu được viết ra chẳng có ý đồ gì cho việc trở thành nhà văn sau này cả, chúng được viết theo kiểu tác phẩm tuổi xanh, ký những cái tên khác nhau. Bạn bè đọc được, người này người kia bảo chị có hơi hướng văn chương, thế nên khi không còn trẻ gì, 39 tuổi, chị bỗng trình làng tác phẩm đầu tay, mà lại là tiểu thuyết (tất nhiên, đấy là theo cách nói của chị, chứ thật ra nhiều người bắt đầu viết văn ở tuổi cao hơn nhiều).
Cuốn tiểu thuyết “Lời cuối cho em” được tái bản nhiều lần sau đó. Nhân vật nữ chính trong truyện tên là Thương, một người đàn bà mang đầy đủ vẻ đẹp của phụ nữ Việt, hạnh phúc và cay đắng. Không cố ý gán cho nhân vật một sự tuyệt đối nào nhưng chị hình dung rằng, cái tên “Thương” phải chăng là đại diện cho bản tính của người phụ nữ Việt Nam. Người đàn bà Việt Nam yêu chồng không chỉ xuất phát bởi chữ “yêu” mà còn phải “thương” nữa. Thế nên, họ cũng luôn hỏi người đàn ông của mình rằng “anh có yêu thương em không”, chữ “yêu” thiêng liêng ấy bao giờ cũng phải đứng cạnh chữ “thương”, khi ấy “yêu” mới trọn vẹn, sâu nặng và bền lâu.
Và cũng từ đó, Trần Thị Trường viết liên tục. Thật ngẫu nhiên, hầu như các tác phẩm của chị, đặc biệt là truyện ngắn, nhân vật chính hầu hết là nữ. Và trái tim đa cảm của đàn bà khiến chị luôn đồng cảm với những nhân vật của mình dù họ là ai, làm nghề gì, dù là trí thức, là dân văn phòng, hay những người lao động, người đi bán café, đi làm khách sạn, thậm chí là gái làm tiền. Thế nên, từ “Lời cuối cho em” đến truyện ngắn sau này trong các tập truyện ngắn “Thời gian ngoảnh mặt”, (2001), “Hoa mưa” (2003), “Tình như chút nắng” (2005) hay những truyện ngắn gần đây “Sóng vỗ mạn thuyền”, … chị viết và hy vọng, nếu họ đọc được thì đấy là một sự chia sẻ của con người với con người, của những người đàn bà với nhau trong cuộc đời này.
Ngay trong “Phố Hoài”, cuốn tiểu thuyết viết đã ba năm (chị không thể viết nhanh bởi công việc bận rộn ở Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc VN; hơn nữa chị cho rằng, ở tuổi này rồi chị muốn làm một cái gì đó kỹ lưỡng hơn, sâu nặng hơn), cũng tập trung vào thân phận những người đàn bà mà chị đã gặp mà chưa viết được về họ. Ở đó, người đàn bà vừa đáng thương vừa đáng giận, vừa đáng ghét vừa đáng yêu. Nhưng dù họ có mưu đồ đến mấy, có thể sẵn sàng ăn bớt ăn xén ở đâu đó thì cuối cùng cũng lại đem về cho chồng cho con chứ chẳng phải vì bản thân mình. “Ngay như bây giờ, báo chí hay nói chuyện này chuyện kia về giới showbiz, cô này trong đường dây gái gọi, cô kia đi với đại gia và nhiều chuyện khác nữa, nhưng tôi tin đó chỉ là bề nổi, phía sau đó họ cũng có câu chuyện của họ. Đàn bà nào cũng yếu đuối, nông nổi, cả tin, thậm chí ngoa ngoắt, đáo để nhưng cứ nhìn kỹ mà xem, có cuộc hôn nhân nào đổ vỡ khi ra tòa mà người giành nuôi con không phải là phụ nữ đâu?”, chị nói.
Mong những người đàn bà mạnh mẽ hơn lên
Trần Thị Trường tự nhận mình thuộc thế hệ trước. Thế hệ mà xã hội qui định cho phụ nữ những khuôn mẫu, chỉ cần họ sống khác đi một chút đã nhận được cái nhìn không thông cảm, mẹ chồng có thể nhìn thẳng vào con dâu mà nói “con hơn chồng con là tai họa rồi”. Không chỉ đàn ông không thích đàn bà hơn mình, mà đàn bà với nhau cũng soi mói nhìn nhau. Nhớ lại một thời kỳ, cuộc sống muôn vàn khó khăn, nhiều người thất nghiệp, nhiều ông chồng chẳng có việc làm, nhiều bà vợ đứng ra gánh vác gánh nặng cơm áo. Người có nghề nghiệp thì không nói làm gì, những người cực chẳng đã phải đi là những việc không giải thích được, không dễ hiểu thì hàng xóm ngay lập tức gọi là “con đĩ”. Lúc nào người đàn bà cũng phải nhẫn nhịn trước chồng, mới vừa mắt nhà chồng và đồng nghiệp... Chị thương xót những số phận như thế. Chị cũng là đàn bà và chị hiểu tất cả những điều ấy. Bản năng đàn bà cộng với sự nhạy cảm của người viết văn đã cho chị cái nhìn toàn diện và biết rất rõ mình nên đứng ở đâu và viết vì lẽ gì.
Thời gian sống ở trời Âu những năm tám mươi của thế kỷ trước càng khiến Trần Thị Trường đồng cảm với người phụ nữ Việt hơn. Chị bảo rằng, không ít lần chị chạnh lòng khi chứng kiến người đàn ông Âu, Mỹ họ “nịnh” đàn bà, mà họ “nịnh” ghê lắm. “Tôi không thấy cặp vợ chồng nào đi với nhau mà người đàn bà phải xách nặng, còn đàn ông đi tay không. Họ không xách đồ thì là bế con. Khi xuống xe, người đàn ông vội chạy xuống mở cửa, đưa tay đỡ người đàn bà bước xuống… Trí thức cũng như công nhân, đều như vậy”. Tất nhiên, Âu Mỹ, trong quan hệ nam nữ, họ thống nhất với nhau một số những nguyên tắc căn bản về tiền bạc. Không như ở ta, nhiều khi người đàn ông đã đưa hết tiền cho vợ thì “anh ta” có quyền bắt vợ làm nhiều việc”, chị nói. Từ cái nhìn ấy, chị thấy người đàn bà Việt Nam quả thật vĩ đại, nhưng chính họ cũng làm hư người đàn ông của mình.
Trần Thị Trường không phải không mâu thuẫn với chính mình khi bản thân chị cũng nhận biết được những khoảng trống khó có thể lấp đầy với người phụ nữ sống độc thân ở Việt Nam, điều hoàn toàn không có gì đáng phải bàn đến ở các nước phương Tây. Chị muốn người đàn bà mạnh mẽ hơn lên, làm chủ cuộc sống hơn lên, nhưng vẫn không thể mường tượng một người đàn bà sống độc thân thì sẽ sống thế nào? Nhưng sau khi nghe câu chuyện của những người đàn ông trong một vài cặp vợ chồng già nói chuyện với nhau rằng, nếu giời bắt phải chết thì xin mong cho được chết trước vợ mình vì họ sẽ không biết phải làm gì trong thời gian còn lại của cuộc đời khi chỉ có một mình; thì chị nghĩ rằng người đàn bà dù có sống một mình cũng chẳng sao cả, xét cho đến cùng, họ vẫn phải tự làm lấy mọi việc một mình.
Chỉ có điều, dù thế nào, chị cũng vẫn đứng về “phe” của mình-phe nước mắt. Trong vòng quay ngày càng hối hả và ngày càng phát triển của cuộc sống, người phụ nữ bây giờ bản lĩnh hơn xưa rất nhiều. Họ biết chăm sóc cho bản thân nhiều hơn, nhiều người dám sống cho mình, dám chịu trách nhiệm; họ rất yêu quý cha mẹ nhưng vẫn chọn cách sống của bản thân họ, và chị ủng hộ điều đó. Nếu viết về những người phụ nữ ấy, chị cũng vẫn sẽ chia sẻ với họ sự đồng cảm này. Nhưng chị cũng muốn nhắn gửi tới giới của mình rằng chị đã trải qua một cuộc đời khá dài, đi nhiều nơi, sống ở nhiều chỗ, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh và số phận người, thấy đàn bà trên toàn thế giới dù có được đàn ông chiều đến mấy thì vẫn khổ. Riêng chuyện sinh nở đã là khác biệt và quá vất vả. Chức năng tự nhiên ấy buộc người đàn bà có nghĩa vụ, trách nhiệm với những đứa trẻ, vì thế họ không bao giờ chỉ sống cho mình mà luôn sống vì người khác. Nhưng người phụ nữ cũng phải biết kìm chế cảm xúc, biết nên giới hạn đến đâu là vừa để không tự làm khổ mình.
Xuân Phong