Công bố văn bản hán nôm làng Trường Lưu là Di sản tư liệu

Ngày 24/6, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ kỷ niệm 310 năm năm sinh Nguyễn Huy Oánh (1713-2023), 280 năm năm sinh Nguyễn Huy Tự (1743-2023), 240 năm năm sinh Nguyễn Huy Hổ (1783-2023), công bố văn bản hán nôm làng Trường Lưu là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.   

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch trao chứng nhận di sản tư liệu cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Can Lộc và đại diện dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Nơi đây hội tụ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như Ca trù, Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh. Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là 3 Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hà Tĩnh cũng là quê hương của Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO vinh danh trong năm 2015.
       
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định: Cùng với các làng văn hóa, làng khoa bảng như Đông Thái (Đức Thọ), Tiên Điền (Nghi Xuân), Trường Lưu (Can Lộc) luôn là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Hà Tĩnh. Thật hiếm có nơi nào có được bề dày văn hóa như mảnh đất xã Trường Lưu, nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc với 3 Di sản di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO, 4 di tích quốc gia, 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh cùng với nhiều di sản tiềm năng. Đây là tài nguyên vô giá mà các thế hệ cha ông đi trước đã dày công kiến tạo, trao truyền cho người dân Trường Lưu nói riêng và người dân Hà Tĩnh nói chung.  
     
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cần sớm quy hoạch làng văn hóa Trường Lưu, tranh thủ các nguồn lực, có kế hoạch tổng thể để nghiên cứu, kiểm kê ứng dụng chuyển đổi số, tập trung khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu. 
      
Nguyễn Huy Oánh tên húy là Xuân, hiệu là Lựu Trai, tự Kính Hoa, sinh ngày 17 tháng Chín năm Quý Tỵ (1713). Năm Nhâm Tý (1732), Nguyễn Huy Oánh đỗ đầu thi Hương. Năm 1744, ông làm Tri huyện huyện Cảnh Thuần. Năm 1747, ông được thăng chức Tri phủ phủ Trường Khánh. Năm 1748, Nguyễn Huy Oánh đỗ Đình nguyên Thám hoa. Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Huy Oánh được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Năm Ất Dậu 1765, ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, trong chuyến đi này, ông soạn bộ Hoàng Hoa sứ trình đồ, đã được ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2018.
      
Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Huy Oánh để lại một khối lượng trước tác đồ sộ với các tác phẩm tiêu biểu như Hoàng Hoa sứ trình đồ, Huấn nữ tử ca, Phụng sứ Yên đài tổng ca, Bắc dư tập lãm…Nguyễn Huy Oánh cũng chính là một trong những người có công đầu trong việc tạo lập nên Phúc Giang thư viện, sáng tạo nên di sản Mộc bản Trường học Phúc Giang...   

Chú thích ảnh
Tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh có con trai trưởng là Nguyễn Huy Tự. Nguyễn Huy Tự có tên tự là Hữu Chi, hiệu Uẩn Trai, sinh ngày 3 tháng 9 năm Quý Hợi (1743). Nguyễn Huy Tự làm quan ở triều đại Tây Sơn, giữ chức Hữu tham tri bộ Binh. Nguyễn Huy Tự để lại tác phẩm Truyện Hoa tiên - một tác phẩm quan trọng đánh dấu quá trình phát triển của nền văn học Việt Nam trung đại.

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh có cháu nội là Nguyễn Huy Hổ là con trai thứ 3 của Nguyễn Huy Tự, húy là Nhậm, tên chữ là Liêm Pha, hiệu là Hy Thiệu, sinh ngày 21 tháng 8 năm Quý Mão 1783.
         
Từ thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, danh nhân Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, có thể thấy dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng môi trường văn hóa, kiến tạo các giá trị văn hóa cho quê hương và lan tỏa các giá trị văn hóa ấy ra khắp vùng Hồng Lam.
       
Ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Phát huy truyền thống của quê hương và thành quả của các thế hệ cha anh đi trước, những năm gần đây tình hình kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh đã có những bước phát triển đột phá. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khá cao, lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo tích cực, quyết liệt; văn hóa xã hội phát triển khá, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
       
Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tập trung cao độ cho các chương trình, dự án lớn về kinh tế - xã hội; chú trọng việc đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, du lịch, nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững; hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn được quan tâm, bảo tồn và phát huy, góp phần giáo dục truyền thống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tường-Quân (TTXVN)
Triển lãm 'Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn'
Triển lãm 'Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn'

Chiều 24/3, tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa tổ chức triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN