Cùng Bùi Công Duy 'vắt' qua ba thế kỷ âm nhạc bác học

Một loạt các chương trình hòa nhạc đỉnh cao, với sự tham dự của các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ diễn ra trong hai tuần cuối tháng 3 này.

Sự kết hợp của Hinrich Alpers & Bùi Công Duy


Nghệ sỹ piano Hinrich Alpers và nghệ sỹ violin Bùi Công Duy sẽ đưa khán giả đi qua ba thời kỳ lịch sử âm nhạc: Từ thời kỳ âm nhạc cổ điển Vienna, đến thời kỳ đỉnh cao của âm nhạc lãng mạn.

Chương trình sẽ diễn ra ngày 16/3 tại Salon văn hóa Cafe Thứ Bảy (TP Hồ Chí Minh), ngày 17/3 tại Học viện Âm nhạc Huế, ngày 18/3 tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) và ngày 23/3 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).


Trong chương trình, nghệ sĩ Hinrich Alpers sẽ thể hiện các bản hòa tấu piano, các bản Sonate của nhà soạn nhạc Beethoven và cả toàn bộ các tác phẩm piano của nhà soạn nhạc Schumann, Ravel và Rachmaninoff.


Mở đầu, Hinrich Alpers sẽ đưa khán giả vào thế giới của người khổng lồ - nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven (1770-1827), người đã cùng với bản nhạc Sonate cung Đô trưởng Op.53 của mình, tạo ra một bản nhạc đặc biệt mạnh mẽ, mang âm hưởng của cả một dàn giao hưởng lớn. Bản nhạc này được viết tặng cho Bá tước Waldstein – một người bạn cũng là người khuyến khích, động viên nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven.


Tiếp sau đó, với niềm khao khát và tình yêu lớn lao, nghệ sỹ Hinrich Alpers sẽ dẫn chúng ta vào thế giới cảm xúc của nhà soạn nhạc Robert Schumann. Nhà soạn nhạc Robert Schumann cũng đã tặng bản nhạc Arabeske cung Đô trưởng Op.18 của mình cho một người quan trọng đối với ông: Bà Friederike Serre, người đã giới thiệu ông với người vợ sau này là bà Clara Schumann. 


Đặc biệt, Bùi Công Duy và Hinrich Alpers sẽ làm cho khán phòng buổi tối nóng lên trong điệu nhạc dân gian Hungari được sáng tác vào thời kỳ đỉnh cao của âm nhạc lãng mạn: Bản hòa tấu Violin cung Rê thứ Op.18 của nhà soạn nhạc Johannes Brahms sẽ kết thúc chuyến du hành tới ba thời kỳ âm nhạc này.


Xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, ngay từ khi mới lên 4, cậu bé Bùi Công Duy đã bắt đầu chơi violin và khi 8 tuổi đã giành được giải nhì trong một cuộc thi violin tại TP Hồ Chí Minh. 


Bên cạnh rất nhiều giải thưởng khác, Bùi Công Duy đã nhận được giải nhất và Huy chương Vàng của Cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky Quốc tế tại Thành phố St. Petersburg. Hiện nay Bùi Công Duy sống tại Hà Nội, là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.


Hòa nhạc cùng tam tấu nhạc jazz “Tâm hồn nhà thơ”


Chương trình hòa nhạc đặc sắc của tam tấu nhạc jazz nổi tiếng của Bỉ “Tâm hồn nhà thơ” sẽ diễn ra ngày 19/3, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) và ngày 21/3, tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Ngày Quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam 2017.


Với việc chọn lựa các bài hát của ba ca sĩ/nhạc sĩ Brel, Brassens và Ferré; tam tấu “Tâm hồn nhà thơ” (Fabien Degryse, Jean-Louis Rassinfosse và Pierre Vaiana) đã khẳng định vị trí độc nhất trong thế giới nhạc Jazz và những bài hát Pháp ngữ.


Tại buổi diễn diễn lần này, tam tấu “Tâm hồn nhà thơ” vẫn tiếp tục biểu diễn những bài hát của ba tài năng gạo cội nói trên, theo một phiên bản mang đậm chất swing và đong đầy cảm xúc, cùng với sự hài hước và đầy sáng tạo thông qua các nhạc cụ. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của nữ nghệ sĩ đàn T’rưng Hoa Đăng.


Nghệ sĩ Pierre Vaiana đã từng giành Giải Django d’Or 2009, Giải nghệ sĩ saxophone xuất sắc nhất của năm 2000 (do Đài phát thanh VRT của Bỉ bình chọn). Ôngđã từng đi lưu diễn khắp châu Phi và Địa Trung Hải; vì vậy tiếng kèn của anh có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa. Khán giả vì vậy có thể dễ dàng nhận ngay ra tiếng kèn saxophone trầm ấm, sâu sắc và vô cùng đặc biệt này.


Còn Jean-Louis Rassinfosse là nghệ sĩ đàn Contrabassrất nổi tiếng và là gương mặt sáng giá của nhạc Jazz châu Âu. Ông đã biểu diễn cùng với các ngôi sao nhạc Jazz nổi tiếng thế giới: Philly Joe Jones, Clifford Jordan, Pepper Adams, George Coleman, Joe Lovano…Đặc biệt trong suốt 10 năm, ông đã chơi cùng với một trong những biểu tượng jazz quốc tế Chet Baker với tư cách tam tấu (cùng với Philip Catherine).


Nghệ sĩ Fabien Degryse đã từng học tại trường nhạc Jazz tên tuổi của Mỹ “Berklee school of music” tại Boston từ năm 1980 đến 1982. Trong sự nghiệp của mình, ông đã đi lưu diễn khắp châu Âu, châu Phi, châu Á và Canada; đồng thời sở hữu một danh sách giải thưởng đáng nể: Giải nhất Guitare Jazz và Hòa âm Jazz của Nhạc viện Hoàng gia Bruxellesl, Nghệ sĩ Guitare Accoustique hay nhất của năm 1998 (do Đài phát thanh 3 phối hợp với Hội nhà báo Jazz bình chọn).


Đặc biệt, ông được bầu chọn là “Nghệ sĩ Guitare Jazz xuất sắc nhất trên trường quốc tế” (do tạp chí Acoustic Guitar của Pháp bình chọn) vào tháng 11/2007- khi cho ra đời đĩa CD “The Heart of The Aucoustic Guitar”.


Rất nhiều đĩa CD của ông đã đạt các giải thưởng lớn, trong đó có đĩa CD “Hommage à René Thomas/tưởng nhớ René Thomas" (Igloo IGL 134) - được báo Le Soir bình chọn là Đĩa nhạc Jazz hay nhất của năm 1997.


Và cuối cùng, NSƯT Nguyễn Thị Hoa Đăng, khách mời đặc biệt của chương trình. Nguyễn Thị Hoa Đăng theo học âm nhạc dân tộc từ năm 8 tuổi và tốt nghiệp đại học âm nhạc, chuyên ngành đàn Tam Thập Lục năm 1995 và Tiến sĩ chuyên ngành Âm nhạc dân tộc World Music năm 2008. Hiện chị là Phó trưởng Khoa Nhạc cụ Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.


PT
Hòa nhạc giao hưởng Việt Nam – Na Uy
Hòa nhạc giao hưởng Việt Nam – Na Uy

Ngày 9/10, Nhà hát hòa nhạc giao hưởng và thính phòng (HBSO) TP Hồ Chí Minh sẽ cho ra mắt chương trình “Edvard Grie tổ khúc Peer Gynt” nhằm giới thiệu những tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc người Việt Nam và Na Uy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN