'Cuộc chơi' không trọn vẹn

Sự việc chưa từng có tiền lệ: Cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013 (nằm trong khuôn khổ Festival Biển 2013 và Hội chợ du lịch Biển quốc tế Nha Trang 2013) bị cơ quan chức năng (Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thu hồi giấy phép chỉ vài ngày trước đêm chung kết. Lý do dẫn đến cuộc thi bị hủy là trong quá trình tổ chức, ban tổ chức cuộc thi đã có nhiều sai phạm, không thực hiện đúng Nghị định số 79 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu (báo Tin Tức đã có loạt bài phản ánh).

 

Những rắc rối xung quanh cuộc thi “Nữ hoàng biển” tưởng đã được khép lại sau quyết định thu hồi giấy phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Tuy nhiên, thay bằng những bài học cần rút ra, thay bằng lời xin lỗi khán giả, xin lỗi những người làm nghệ thuật chân chính…, thì ban tổ chức cuộc thi (đại diện là Công ty Rồng Việt) lại có sự phản pháo, thể hiện qua các thông cáo được gửi đến một số cơ quan thông tin đại chúng, đồng thời tuyên bố “sẽ khiếu kiện đến cùng”. “Hậu” của vụ việc ra sao, có lẽ dư luận tiếp tục phải chờ đợi. Chỉ có điều, vụ việc trên đã cho thấy hậu quả của việc buông lỏng quản lý hơn là kết quả xử lý nghiêm minh.


Cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013 là cuộc thi mang tính quốc gia (theo Cục Nghệ thuật Biểu diễn), do vậy, việc tổ chức phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Những sai phạm của cuộc thi, trên thực tế là sai phạm khá phổ biến tại nhiều cuộc thi người đẹp ở nước ta. Bởi “sân chơi” này phần lớn là dự án làm ăn của các công ty tư nhân (trong vai trò nhà tổ chức), nên mục tiêu lợi nhuận, hoặc đánh bóng thương hiệu được đặt lên trên hết, hơn là ý nghĩa xã hội của cuộc thi. Cách làm của họ là lôi kéo một số đơn vị chủ quản là bộ, ngành hoặc địa phương tham gia (chỉ trên danh nghĩa) nhằm hợp thức hóa thủ tục xin cấp phép. Cơ quan chủ quản thường đứng tên trưởng ban tổ chức, còn trên thực tế, các công ty này thâu tóm toàn bộ các khâu từ A tới Z…


Thường thì sau khi được cấp phép, công việc tiếp theo hoàn toàn thuộc quyền quyết định của công ty tổ chức. Điều đó lý giải vì sao cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013 (khởi động cách đây gần 3 tháng) do một Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa làm trưởng ban tổ chức, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ và các sở, ngành..., nhưng diễn tiến của vụ việc ra sao thì họ phó mặc cho Công ty Rồng Việt. Hậu quả là, tới gần giờ chót khi cơ quan cấp phép phát hiện ra sai phạm thì việc đã rồi.


Một câu hỏi được đặt ra, tại sao một địa phương đã từng đăng cai tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp có uy tín cả trong nước và quốc tế như tỉnh Khánh Hòa, lại có thể để xảy ra những sai phạm như vậy? Do vậy, khi đề cập đến quyết định hủy cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013, dư luận cho rằng, đây là sự can thiệp khá kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước nhằm tránh để lại hậu quả về sau. Nhưng dư luận cũng không khỏi thất vọng trước sự cẩu thả của nhà tổ chức và tình trạng buông lỏng quản lý của cơ quan văn hóa địa phương, cụ thể là trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa.

 

Yến Nhi

Hủy cuộc thi 'Nữ hoàng Biển Việt Nam năm 2013'

Nguyên nhân hủy cuộc thi này là do trong quá trình tổ chức vòng sơ tuyển, Ban tổ chức cuộc thi đã có nhiều sai phạm, không thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN