Người Giáy còn gọi là Pú Giáy hoặc Hún Giáy. Người Giáy ở Lai Châu sinh sống rải rác tại 8/8 huyện, thành phố của tỉnh với khoảng 14.000 người, chiếm 3,09% dân số toàn tỉnh. Trong đó, thành phố Lai Châu là địa phương có đông người dân tộc Giáy sinh sống nhất và tập trung ở phường Quyết Thắng, xã San Thàng.
Người Giáy trồng lúa, ngô trên các mảnh ruộng tương đối bằng phẳng và làm các loại bánh truyền thống. Trong quan niệm của người Giáy ở Lai Châu vạn vật hữu linh; đất có thần đất, rừng có thần rừng, sông có thần sông. Trong đó, thần rừng được coi là vị thần linh liêng nhất, che chở cho dân làng trong cuộc sống hàng ngày. Để bày tỏ lòng biết ơn đối với thần rừng, người Giáy tổ chức lễ cúng thần rừng 2 lần/năm vào ngày mùng 3/3 và ngày 6/6 Âm lịch.
Hàng năm, sau ngày Tết Nguyên đán cổ truyền, người Giáy thường tổ chức các lễ hội như: Tú Ti, Láng Na, Háu Đoong. Lễ hội Háu Đoong theo tiếng Giáy là vào rừng cúng thần rừng, để cầu mong mọi người khỏe mạnh, may mắn; cầu cho cây trồng, vật nuôi phát triển, không bị sâu bệnh và cầu cho mọi nhà kinh tế ngày càng phát triển, gia đình ấm no, hạnh phúc. Đây là một trong những phong tục cần được bảo tồn bởi tính nhân văn, giáo dục người dân tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Tại phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu, người Giáy thờ cúng thế lực siêu nhiên tại khu rừng cấm thuộc bản Nậm Loỏng 1. Nơi thờ cúng có thể ở gốc cây to, hòn đá lớn trong rừng và người dân nơi đây đều phải có trách nhiệm, tự nguyện bảo vệ rừng, không ai được tự tiện chặt phá rừng.
Ông Hoàng Chí Tình, Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu cho biết: Lễ hội Háu Đoong phường Quyết Thắng là sự kiện văn hóa truyền thống, được lưu truyền từ đời này sang đời khác nhằm hướng về cội nguồn, truyền thống dân tộc. Thông qua lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn phường. Đồng thời, lễ hội là dịp để địa phương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách về con người và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Giáy vùng Tây Bắc.
Lễ hội Háu Đoong gồm 2 phần: Phần Lễ và phần Hội. Trong phần Lễ có các hoạt động cúng rừng tại mó nước bản Nậm Loỏng 1, phường Quyết Thắng và khai mạc lễ hội. Trước khi thầy mo làm lễ, ngay từ sáng sớm đại diện các gia đình đến giúp nhau quét dọn địa điểm cúng và mổ lợn, gà làm lễ. Lễ vật cúng rừng là một con lợn từ 20 - 30kg và 3 - 5 con gà. Lễ cúng rừng của dân tộc Giáy được tổ chức lúc trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đặc biệt, trong lúc cúng rừng, phụ nữ sẽ không được vào khu vực cúng. Sau lễ cúng sẽ tổ chức bữa cơm cộng đồng và thống nhất thời gian cấm bản, mọi người không đi lao động sản xuất từ 2 - 3 ngày.
Ở phần Hội, người dân và du khách cùng tham gia các hoạt động đặc trưng của đồng bào Giáy với nhiều trò chơi dân gian, môn thi đấu độc đáo như: Bắn nỏ, thi giã bánh giầy, thi cắt phở, kéo co, tó má lẹ, nhảy bao bố, bịt mắt đánh chiêng, bịt mắt bắt vịt...
Lễ hội Háu Đoong không chỉ có ý nghĩa về giá trị tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gần gũi, hòa đồng, tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, coi rừng là cuộc sống, góp phần bảo vệ sinh thái bền vững.
Ông Trần Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố lai Châu cho hay: Khu vực San Thàng, Quyết Thắng là cái nôi văn hóa của người dân tộc Giáy. Những năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn, trong đó có dân tộc Giáy. Đây là việc làm đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc duy trì, nâng cấp lễ hội truyền thống dân tộc Giáy nhằm động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống cách mạng, hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn.