Độc nhất vô nhị
Trong số các đàn 1 dây trên thế giới, đàn bầu của Việt Nam được đánh giá là rất đặc sắc, độc đáo, bởi nó là cây đàn duy nhất phát ra âm bồi, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ, có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là kỹ thuật luyến láy…
Theo PGS.TS.NSƯT Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, cho đến nay, chúng ta vẫn không có đủ dữ liệu để xác định một cách chính xác đàn bầu có từ bao giờ. Có người thì cho rằng, đàn bầu ra đời vào khoảng thế kỷ IX – X, có người còn đưa ra con số cụ thể, là đàn bầu được chế tạo vào khoảng những năm 1770... “Tuy chưa có giả thuyết nào được khẳng định là chính xác, nhưng có thể nói, đàn bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt, đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải có trước thế kỷ XIX”, PGS.TS.NSƯT Nguyễn Bình Định, cho biết.
NSND Xuân Hoạch bên cây đàn bầu. |
Trải qua những bước thăng trầm, chuyển hóa, trong suốt quá trình lịch sử, đàn bầu cũng có những thay đổi. Từ cây đàn đơn giản làm từ một ống bương, hoặc vầu, hoặc mai, ngựa đàn là mảnh sành, mảnh sứ hoặc miếng gỗ cứng, vòi đàn là một que tre dài, dây đàn làm bằng dây móc, dây gai, dây tơ… sau này, đàn bầu được làm bằng gỗ, vòi đàn làm bằng sừng, dây đàn làm bằng hợp kim… Từ chỗ âm lượng nhỏ do thân đàn nhỏ, quả bầu nậm nhỏ, các nghệ nhân hát xẩm đã nghĩ ra cách để lên mặt đàn phía dưới đuôi đàn một thùng sắt tây hoặc một chậu đồng tỳ vào dây đàn để tần số rung của dây đàn truyền trực tiếp vào thùng, do đó âm lượng được phóng to hơn.
Về phương diện chức năng nghệ thuật, đàn bầu có thể dùng đệm cho hát và ngâm thơ, có thể độc tấu, hòa tấu cùng các nhạc cụ dân tộc khác, và cũng có thể tham gia độc tấu với phần đệm của các nhạc cụ phương Tây, trong đó bao gồm cả việc biểu diễn âm nhạc Việt Nam và âm nhạc nước ngoài. Đàn bầu đã tham gia vào nghệ thuật hát xẩm, vào dàn nhạc chèo, cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ, ban nhạc Ngũ tuyệt ở Huế. Đàn bầu cũng là một trong số ít nhạc cụ Việt Nam đã được người nước ngoài nghiên cứu đến từ đầu thế kỷ XX, trong đó có người Pháp, người Nhật, Đức, Australia…
Biểu tượng của văn hóa Việt Nam
Có thể nói, cây đàn bầu Việt Nam không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Việt, cũng như trên sân khấu nghệ thuật truyền thống và đương đại.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng văn công quân đội cũng như dân chính đã có mặt trên khắp các nẻo đường chinh chiến, động viên bộ đội, dân công và nhân dân vùng hỏa tuyến. Khi đó, tiết mục đàn bầu và tiết mục sáo trúc luôn là những tiết mục được ưa thích nhất. Có những đơn vị bộ đội trước giờ bước vào trận đánh ác liệt, chỉ muốn được nghe một tiết mục do đàn bầu biểu diễn. Trong những năm 1970 - 1980 và đầu những năm 1990, tiết mục đàn bầu cùng các nghệ sỹ ca múa nhạc của Việt Nam đã đi biểu diễn ở khắp các châu lục trên thế giới. Trong số các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam phục vụ du khách quốc tế, khách ngoại giao hoặc phục vụ các sự kiện lớn trong nước, cũng như chương trình của các nhóm, các đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài luôn có tiết mục đàn bầu. “Nhiều người nước ngoài ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đã cho rằng, họ hiểu con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, qua tiếng đàn bầu. Nếu để chọn ra một cây đàn đại diện cho nhạc cụ Việt Nam, có khả năng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ chọn đàn bầu. Như vậy có thể coi, đàn bầu là một đại diện, một biểu tượng của văn hóa Việt Nam”, PGS.TS.NSƯT Nguyễn Bình Định chia sẻ.
Nói về sự gắn gó của cây đàn bầu trong đời sống người Việt, NSND Nguyễn Tiến cho rằng, từ xa xưa cây đàn bầu Việt Nam đã gắn bó với đời sống của người Việt, từ các bản làng xa xôi đến các miền quê hẻo lánh và cho tới các sân khấu lớn trong nước và quốc tế, không đâu là không có sự xuất hiện của cây đàn bầu Việt Nam. Mỗi khi xa quê, dù bất kỳ ở đâu, khi ta nghe một tiếng đàn bầu chúng ta đều thấy lòng mình rộn lên một tình cảm sâu nặng với quê hương. Tiếng đàn bầu đưa chúng ta về bờ tre, gốc lúa, dòng sông con đò, cây đa bến nước và gợi lên biết bao những hoài niệm về tuổi thơ, về những nỗi vui buồn trong cuộc đời.
NSND Nguyễn Tiến cũng khẳng định, đàn bầu Việt Nam không những chỉ thân thương với người Việt ở trong nước, mà còn xuất hiện ở trên các nước khắp năm châu sau bao nhiêu thập kỷ. Nhiều người đã đến Việt Nam tìm hiểu và học đánh đàn bầu. Nhiều người thường dùng cụm từ “Đất nước đàn bầu”, hoặc “Quê hương đàn bầu” để thay cho hai tiếng Việt Nam.
Theo NSND Thanh Tâm, đàn bầu đã có vị trí rất quan trọng trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây có dư luận cho rằng, Việt Nam rất có thể sẽ mất quyền đối với cây đàn bầu. Nguyên nhân chính là do các thông tin đưa đến cho biết, tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đàn bầu đã được đưa vào dạy trong một số trường phổ thông; Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây cũng có phân khoa về đàn bầu. Bên cạnh đó, một số học giả Trung Quốc đang cố gắng tìm chứng cứ để cho rằng cây đàn bầu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo NSND Thanh Tâm, Nhà nước cần nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là giá trị văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam, để có thể làm tốt hơn công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của đàn bầu - nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam, đồng thời, khẳng định rõ ràng cây đàn bầu là của người Việt Nam, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.