Sau 8 năm kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần tỉnh Nam Định đến năm 2015” (Dự án Văn hóa Trần) vẫn còn dang dở vì thiếu vốn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và bộc lộ bất cập như thiếu căn cứ khoa học trong quy hoạch bảo tồn, tôn tạo; gần 1/3 số di tích chưa xếp hạng được đưa vào quy hoạch tu bổ trong khuôn khổ dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (trái) và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn khảo sát tại khu vực đền Thiên Trường. Ảnh: chinhphu.vn |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, giá trị thực hiện của dự án đến nay đạt 567,141 tỷ đồng nhưng vốn bố trí chỉ là 428,012 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương 317 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương 111 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Quyết định 1403/QĐ-TTg ngày 5/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nguồn vốn cho Dự án Văn hóa Trần, nguồn vốn Trung ương cấp cho dự án là 300 tỷ đồng giai đoạn 2008-2010 và tối thiểu 100 tỷ mỗi năm từ năm 2011-2015. Khó khăn trong giải phóng mặt bằng cũng khiến các tiểu dự án lâm vào bế tắc. Các đường giao thông phục vụ khu di tích gồm đường N1, N2, N3, E4, N2-1, C8, N5 đều thi công dở dang mặc dù vốn hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư, còn Khu trung tâm lễ hội 63 ha chưa thể triển khai vì không ít hộ dân ở diện thu hồi đất tuy đã nhận tiền đền bù và đất dịch vụ nhưng vẫn cản trở thi công, đòi tiền đền bù cao hơn.
Bên cạnh đó, mặc dù UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo phê duyệt chi tiết các dự án thành phần nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn thiếu các căn cứ khoa học. Quy hoạch chi tiết và phương án bảo tồn, tôn tạo, xây dựng cảnh quan khu trung tâm lễ hội tuy được phê duyệt nhưng chưa có sự thống nhất cao, vẫn cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh thêm. Trong khi quy hoạch vẫn cần có sự điều chỉnh, UBND tỉnh Nam Định đã thống nhất triển khai 7 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư lên tới 1.465,926 tỷ đồng (giá trị thực hiện là 567,141 tỷ đồng), trong khi kinh phí Trung ương chỉ cấp 800 tỷ đồng.
Đáng chú ý nữa là, trong 26 điểm di tích được quy hoạch trùng tu, tôn tạo trong khuôn khổ Dự án văn hóa Trần chỉ có 7 điểm di tích quốc gia và quốc gia hạng đặc biệt, còn lại là 11 di tích cấp tỉnh và 8 di tích chưa xếp hạng (gồm Đền Khổng Tử, Chùa Hóp, Chùa La, Chùa Coi Sơn Tự, Chùa Mai Hương, Đình Liễu Nha, Đình và Phủ Văn Hưng). Trong 13 điểm di tích thuộc giai đoạn I đến nay, có 6 điểm di tích đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý, gồm Đền Vạn Khoảnh, Đền Lựu Phố, Đình Kênh, Đình Đệ Nhất, Đình Tây Đệ Nhị và Đền Hậu Bối, trong số này chỉ có 2 di tích quốc gia. Điều đáng nói, Đình Đệ Tứ chưa xếp hạng cũng được đầu tư trên 7 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo trong khuôn khổ Dự án. Ngoài ra, còn 3 điểm di tích cấp quốc gia đặc biệt (trung tâm Khu di tích lịch sử - văn hóa Trần, gồm Đền Thiên Trường, Đền Cố trạch và Chùa Tháp Phổ Minh) và 2 di tích quốc gia gồm Đền Bảo Lộc và Đình Miếu Cao Đài vẫn chưa được triển khai tu bổ. Đây là điểm bất cập mà Nam Định cần rút kinh nghiệp, theo như kết luận của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ trong đợt kiểm tra việc thực hiện tiến độ Dự án Văn hóa Trần mới đây tại Nam Định.
Nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên, UBND tỉnh Nam Định đề nghị chính phủ hỗ trợ trước mắt khoảng 500 tỷ đồng trong 2 năm 2014 và 2015, để hoàn thành các hạng mục đang triển khai, tu bổ, tôn tạo một số di tích chính đã xuống cấp, đồng thời đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2020. Nam Định cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng hỗ trợ tỉnh tiếp tục thực hiện công tác khảo cổ, đặc biệt là khu vực trung tâm, để có cơ sở triển khai phương án bảo tồn Khu di tích thời Trần.
Nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định, qua đó tạo tiền đề để đề nghị công nhận quần thể di tích này là di sản văn hóa thế giới, ngày 12/10/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 252/2005/QĐ-TTg phê duyệt Dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tỉnh Nam Định đến năm 2015” với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Dự án có tổng diện tích tự nhiên khu vực quy hoạch 1.984 ha; trong đó, diện tích khu vực bảo tồn đặc biệt là 669 ha, vùng bảo tồn riêng biệt 1.315 ha. Dự án gồm 3 nhóm là bảo tồn, tôn tạo quần thể di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; xây dựng cảnh quan bảo vệ khu di tích và các công trình phục vụ lễ hội; xây dựng hạ tầng kỹ thuật (gồm cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông, bão đỗ xe, nạo vét sông).
Nguyễn Trường