Danh nhân Nguyễn Huy Nhuận với công lao khai mở dòng mạch khoa bảng làng Sủi, Hà Nội

Ngày 28/12, tại nhà Thái học thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo khoa học “Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận (1678-1758) và dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy - làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội” nhân kỷ niệm 340 năm ngày sinh của ông.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. 

Hội thảo nhằm đánh giá những đóng góp của danh nhân Nguyễn Huy Nhuận đối với sự nghiệp văn hóa, chính trị và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Huy ở làng Sủi.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung nghiên cứu, đánh giá tài năng, phẩm chất, sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận, đặc biệt những đóng góp của ông trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn học, giáo dục; truyền thống hiếu học, khoa bảng và những đóng góp của các vị khoa bảng dòng họ Nguyễn Huy với quê hương, đất nước. Cùng với đó là việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dòng họ Nguyễn Huy trong thời đại ngày nay.

Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định, hội thảo giúp nhà nghiên cứu có thêm tư liệu và hiểu biết về Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận cũng như truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ Nguyễn Huy.

Từ đó, đưa ra phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản dòng họ, noi gương các bậc tiền bối trong sự nghiệp giáo dục con em của dòng họ Nguyễn Huy nói riêng, học sinh Hà Nội nói chung.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận còn có tên là Nguyễn Quang Nhuận. Năm 26 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Chính Hòa 24 (năm 1703) đời vua Lê Hy Tông. Trong thời gian tại nhiệm, ông có nhiều công lao đối với đất nước và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình Lê - Trịnh.

Năm Vĩnh Thịnh Mậu Tý (năm 1708) ông làm Phó Đô Ngự sử, được Chúa ban cho tước Nghĩa Xuyên hầu. Năm Bính Ngọ (năm 1726) đi sứ nhà Thanh về, ông được thăng Tả thị lang Bộ Hình, Triệu Quận công, ít lâu sau đổi Tả thị lang Bộ Binh.

Năm Long Đức Quý Sửu (năm 1733), ông được thăng chức Thượng thư Bộ Công. Mùa thu Giáp Dần (năm 1734), ông được phong làm Thượng thư bộ Lễ, hàm Thiếu phó, được vào phủ làm Tham tụng.

Đối với Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận để lại những dấu ấn không nhỏ. Ông từng đảm nhiệm chức Tri Quốc Tử Giám, từng dâng sớ lên vua Lê, chúa Trịnh đề nghị thay đổi phẩm phục cổn miện cho thánh tượng thờ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để bày tỏ lòng kính trọng đối với người thầy tiêu biểu của muôn đời.

Lệ dùng phẩm phục đế vương cho thánh tượng thờ ở Văn Miếu bắt đầu từ đó. Đối với nền giáo dục khoa cử, Nguyễn Huy Nhuận từng đảm nhiệm chức Giám thí, Tri Cống Cử khoa thi.

Nguyễn Huy Nhuận là vị Tiến sĩ khai khoa của đất Phú Thị nói chung và dòng họ Nguyễn Huy nói riêng, được tôn xưng là ông tổ của các Tiến sĩ trong làng.

Nối tiếp dòng mạch khoa bảng mà Nguyễn Huy Nhuận khai mở, dòng họ Nguyễn Huy còn có 4 vị đại khoa là Tiến sĩ Nguyễn Huy Mãn (đỗ năm 1721), Tiến sĩ Nguyễn Huy Thuật (đỗ năm 1733), Tiến sĩ Nguyễn Huy Dận (đỗ năm 1748), Tiến sĩ Nguyễn Huy Cận (đỗ năm 1760).

Dòng họ Nguyễn Huy còn có 13 vị Nho sinh, 6 vị Hiệu sinh. Đặc biệt, trong dòng họ xuất hiện một nhân vật tuy không đỗ đạt cao nhưng là bậc kỳ tài kiệt xuất trong dòng văn học Nôm là thi nhân Nguyễn Huy Lượng.

Phát huy truyền thống đó, từ năm 1945 đến nay, dòng họ Nguyễn Huy đã có trên 356 Cử nhân, 66 Thạc sĩ, 40 Tiến sĩ, 2 Giáo sư, 10 Phó Giáo sư; góp phần vào việc dựng xây quê hương, đất nước.

Tin, ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)
 'Danh nhân Hoàng Trình Thanh với chính sách chấn hưng đất nước'
'Danh nhân Hoàng Trình Thanh với chính sách chấn hưng đất nước'

Đây là chủ đề của tọa đàm khoa học do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, dòng họ Hoàng làng Đa Sĩ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) tổ chức ngày 7/9, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN