Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Không thỏa hiệp với chính mình...

Tôi nói như vậy, khi có dịp ngồi cà phê với anh trong một buổi chiều muộn, đạo diễn (ĐD) Bùi Thạc Chuyên (ảnh) chỉ cười. Nhưng, ẩn sau nụ cười ấy, tôi hiểu, thường trực trong anh là nỗi đau đáu với phim ảnh mặc dù anh không nói nhiều về công việc và những dự định của mình. Có một điều chắc chắn rằng, người như anh không bao giờ thỏa hiệp với chính mình và với khán giả trong cơ chế làm phim hiện nay. Trong câu chuyện, tôi thấy Chuyên vẫn bộn bề trăn trở, vẫn khát vọng về một điều gì đó, mà anh chưa chạm tới. Bời vì, như anh tự nhận, anh “chỉ là một trong những cá nhân vẫy vùng giữa biển cả, chỉ làm gợn sóng, chứ chưa đủ sức làm nên sóng xô bờ…”.



Những khoảng lặng...


Im lặng. Im lặng và im lặng. Trong suốt cuộc gặp, chủ yếu là anh ngồi nghe tôi nói. Thỉnh thoảng chỉ mỉm cười, chẳng biết anh đồng ý hay không với những vấn đề mà tôi chủ động đề cập đến.


Đề cập tới chuyện đời sống, chuyện xã hội… lòng vòng thế nào, cuối cùng hai chúng tôi lại quay về chuyện phim ảnh. Tôi đã không tinh ý để nhận ra, chỉ có phim ảnh mới khiến cho anh thực sự là mình.


“Thị trường điện ảnh Việt Nam lạ lắm, có thể nói là kì quặc!- Chuyên khơi mào. Vì sao ư? Vì nó là thị trường sơ khai, khán giả hiện nay còn đang không phân biệt được. Ví dụ như lần đầu tiên KFC mở cửa hàng ở Việt Nam, dân vào không biết là cái gì, sau một thời gian ăn rồi mới nhận ra đó là đồ ăn nhanh và không thể nào tiếp bạn sang trọng thì ngồi ở đó được, không thể các lứa tuổi vào đó ăn được, nhưng khi nó mới thì dân cư đổ xô đi ăn thôi. Nhưng vì nó mới nên có sự kỳ cục như vậy! Vấn đề của chúng ta là làm sao có một thị trường phim, có phim để làm, và có thể nuôi sống được nghệ sĩ đang hằng ngày phải đi vật lộn để mưu sinh, và khán giả có phim để xem. Họ có một nền điện ảnh Việt thực sự của hơn 80 triệu dân này, điều đó quan trọng hơn nhiều. Ở Hàn Quốc, công nghiệp giải trí còn phát triển nhanh hơn cả ô tô. Trong khi đó, chúng ta cứ nhập nhằng giữa điện ảnh tư nhân và nhà nước, mà mãi vẫn không thể giải quyết được vấn đề cơ bản là, làm thế nào để có một nền điện ảnh Việt thực sự?...”.


Dường như “không thèm” để ý đến cảm xúc của tôi, anh nói một hơi dài, rồi đột ngột dừng lại, thong thả nhấp một ngụm cà phê, nghiêng đầu lắng nghe tiếng chuông nhà thờ chậm rãi điểm từng tiếng. Bùi Thạc Chuyên bảo, những lúc rảnh rỗi, anh thường ngồi đâu đó quanh đây, nghe tiếng chuông chiều, tránh những chỗ ồn ào, đôi khi là nhiều thị phi của giới nghệ sĩ; anh cũng không ưa những cuộc tranh luận, ít quan tâm đến dư luận, chỉ muốn lặng lẽ làm công việc của mình, và suy nghĩ về những ý tưởng làm phim.


Nhớ lại cái thuở chân ướt, chân ráo vào nghề, “chạm ngõ làng điện ảnh”, Chuyên kể: “Cách đây gần 20 năm, tôi đã từng làm… nửa phim đầu tay! Hồi đó tôi đang là diễn viên kịch nói của một nhà hát kịch. Hôm đó, anh bạn tôi đang học đạo diễn và phải làm một bộ phim tốt nghiệp. Chúng tôi hì hục viết kịch bản và chuẩn bị các khâu để quay. Tuy nhiên, lúc bấy giờ toàn làm các đại cảnh và chúng tôi đã không lường trước được hết khó khăn. Bộ phim đó đã không hoàn thành…


Lần thứ hai, đó là năm 1992, tôi lại tiếp tục cùng bạn làm một bộ phim ngắn khác. Tôi lấy ý tưởng từ câu chuyện “Bích Câu kỳ ngộ” để viết kịch bản. Thế nhưng sau nhiều lần sửa đi sửa lại, bộ phim lại hoàn toàn khác với ý tưởng ban đầu. Bộ phim ấy sau đó tham dự LHP ngắn sinh viên toàn quốc và giành giải vàng… Sau khi được giải, tôi được hãng phim truyền hình mời về làm phim ở đây, đó là thời kỳ “Văn nghệ chủ nhật” ra đời…”.


Khởi đầu với những bước trần ai, cho đến giờ phút này, có thể nói, tài năng của anh đã được giới làm nghề ghi nhận. Dù mỗi bộ phim anh làm khi ra mắt công chúng đều nhận được những lời khen chê khác nhau, nhưng hàng loạt giải thưởng trong và ngoài nước đã chứng minh cho điều đó. Có được những điều ấy, cũng bởi lẽ anh là người không bao giờ thỏa hiệp với chính mình! Mọi khen chê đối với anh không quá quan trọng. Cái quan trọng nhất đối với Bùi Thạc Chuyên là được làm đúng theo những gì mình thích: “Đạo diễn chỉ có thể làm được những cái mình thích. Nó mới hay cũ là chuyện của nhà phê bình, của hãng phim, của khán giả. Trong điện ảnh, cái nhìn mới mẻ của anh đối với những thứ diễn ra hằng ngày mới quan trọng. Còn tìm ra cái mới hoàn toàn là một cuộc cách mạng, một sự vĩ đại. Tôi thì không phải là người vĩ đại, tôi chỉ làm cái mà mình thích. Mới, cũ đến đâu là đánh giá của khán giả. Hơn nữa, ở Việt Nam, đạo diễn làm phim kiếm tiền là điều vô cùng khó. Phim cũng không có quá nhiều để lựa chọn!”, anh tâm sự.


Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, trong thời gian này, công việc hằng ngày của anh là duy trì sinh hoạt chiếu phim và tọa đàm với người yêu điện ảnh tại Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh trẻ của Hội Điện ảnh Việt Nam. Và thư viện phim ảnh khổng lồ của trung tâm dành cho các thành viên cũng là một nỗ lực tìm kiếm của anh và các cộng sự. Qua câu chuyện lúc chậm rãi, khi quyết liệt cho thấy mọi tâm huyết lúc này anh dồn hết vào đám học trò làm phim, với mong muốn truyền đam mê cho thế hệ trẻ, “Có thể dù rất ít người trong số họ sau này lớn lên sẽ làm điện ảnh chuyên nghiệp, thì cũng trang bị cho họ một cách nghe và nhìn”, như anh nói. Với Chuyên, đó là một niềm vui trong đời sống, ngoài những phút quăng đời mình vận lộn với máy quay, với phim trường. 22 khóa học tại Trung tâm Đào tạo Điện ảnh trẻ, với hơn 400 học sinh, mỗi năm có ba, bốn em theo nghiệp điện ảnh, theo anh đã là một thành công. Anh hy vọng: “Qua đây, các bạn trẻ làm phim sẽ biết nắm cơ hội, bắt đầu bằng những dự án ngắn. Sau đó, khi đã thành công, các bạn sẽ không lo mình khó khăn trong quá trình tìm nguồn tài trợ và làm những dự án dài hơi hơn…”.


Dốc hết tâm huyết cho phim


Đã từ lâu rồi, Bùi Thạc Chuyên tập cho mình thói quen không nghĩ đến những gì đã đạt được, vì nó chẳng có ích gì cho những dự định trong tương lai. Anh bảo, thường nghĩ nhiều về những thứ chưa được, để làm việc nghiêm túc, đã làm là làm tới cùng, làm hết trách nhiệm. Trước mỗi khó khăn, Bùi Thạc Chuyên thường tâm niệm: “Ngày mai, sẽ còn khó khăn hơn thế nữa, nếu không bắt tay vào làm ngay sẽ vuột mất những thứ mình muốn…”.


Với những quan điểm không vội vàng, có thể chậm, nhưng phải chắc, phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lúc nào cũng cầu kỳ và tinh tế. Cầu kỳ trong từng khuôn hình, từng chi tiết nhỏ và tinh tế ở chỗ anh có khả năng chạm vào từng cung bậc cảm xúc khó nắm bắt trong lòng khán giả. “Anh có phải là người cực đoan và khó tính?”, tôi hỏi. Anh cười: “Có thể một phần là do “thần mặt” vẻ như “khí đăm đăm” của tôi, với điệu cười nhếch mép, nửa miệng không rõ yêu - ghét gần như cố hữu. Chứ thực ra tôi khó tính nhưng tùy lĩnh vực! Trong ăn uống tôi không khó tính. Tôi ăn mặc rất thoải mái. Còn làm phim, tôi cũng không khó tính lắm, sẵn sàng thỏa hiệp nếu đạt được kết quả tốt nhất. Còn trong việc xem xét, tôi rất khó tính. Đọc truyện cũng vậy, nếu 20 dòng đầu không thấy vấn đề gì là tôi thôi không đọc nữa...”.


Đạo diễn Phan Đăng Di, một người làm nghề đồng trang lứa và cũng… “cực đoan” như anh, khẳng khái: “Bùi Thạc Chuyên là một người rất linh hoạt để thích ứng với môi trường làm phim mà anh có. Đủ để ít nhất ba năm làm được một phim, khi thì làm bằng kinh phí nhà nước, khi thì tự đi xin tài trợ và khi thì do tư nhân đặt hàng. Để được làm phim, Chuyên vì vậy không nhất thiết đóng gông mình bằng ba chữ “phim nghệ thuật” hay “phim tác giả” như một nhà làm phim độc lập thường chọn!”.


Anh chia sẻ: “Để có một bộ phim nghệ thuật như “Chơi vơi”, một phim mình thích như vậy lâu lắm. Cũng đến lúc cần phải làm phim. Quan niệm đó thay đổi khi tôi đi dự một số LHP ở Hong Kong, Rotterdam. Tôi thấy nhiều nhà làm phim trẻ họ không câu nệ chuyện đó, phải làm phim này hay phim kia bởi cơ hội của anh đến rất ít. Hiện nay điều kiện cho phép người làm phim tự do hơn nhiều. Nếu có một chiếc máy ảnh tốt, bạn cũng có thể quay được một bộ phim tốt để chiếu ở các rạp digital. Tại sao cứ ngồi chờ trong khi mình không có nhiều thời gian? Vậy nên cứ làm những gì mình cho là hay, là hấp dẫn. Nó là cuộc chơi mà. Vấn đề là phải làm đến nơi đến chốn, làm hết trách nhiệm và sức lực của mình. Mendoza, một đạo diễn đến từ Phillípin hai năm làm ba phim, một được vào Venice, một vào Cannes. Đâu có tầm thường! Điều đó cho thấy phải làm nhiều phim thì mới rèn luyện tư duy của mình. Và phải làm nhiều dạng. Tất nhiên mỗi con đường đi khác nhau…”.


Có thể nói, đối với Bùi Thạc Chuyên, ranh giới giữa phim ảnh nghệ thuật và thị trường không quá xa vời như người ta vẫn tưởng, khi mà bất kể tác phẩm nào, anh đều dành toàn bộ thời gian và tâm sức vào đó. Anh cho rằng phim gắn mác “nghệ thuật” không phải bao giờ cũng đem lại cho người xem rung động, cũng như phim thị trường không phải phim nào cũng hái ra tiền, chỉ có những bộ phim thành công, hoặc là thất bại mà thôi. Trước khi chia tay, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bộc bạch: “Tôi muốn mình làm một cái gì đó bài bản, chuyên nghiệp. Nhiều người nói những người làm phim nghệ thuật không có khả năng làm những bộ phim chiều khán giả mà chỉ làm những cái ba lăng nhăng theo ý mình. Thực ra không phải như vậy. Điện ảnh là một cuộc chơi mà ở đó chúng ta có lúc đi dự tiệc, có những lúc chỉ đi chơi với dăm ba người bạn tri kỷ. Bản tính của tôi thì không thích tiệc tùng cho lắm nhưng cũng muốn thử xem…”…



Dương Khánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN