Đạo diễn, NSƯT Lê Chức: 'Tôi sinh ra để làm nghệ thuật'

NSƯT Lê Chức (ảnh) sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Ông vẫn tự hào không hề che giấu rằng, đại gia đình các thế hệ dòng họ Lê của ông có hàng chục người làm nghệ thuật. Cha ông là kịch sĩ, nhà thơ Lê Đại Thanh (1907 - 1996), thuộc thế hệ những nghệ sĩ đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại. Bản thân ông nhiều năm là diễn viên kịch, tác giả, đạo diễn, đọc lời bình cho hàng trăm phim tài liệu, lễ hội ...


Giờ đây dù ở vào tuổi 66, ông vẫn miệt mài làm việc, thậm chí ngày cuối tuần người ta vẫn thấy ông đều đặn tới 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.


Người tham công tiếc việc


NSƯT Lê Chức có thói quen làm việc cả những ngày cuối tuần, nhưng không phải làm việc ở nhà mà tới cơ quan, dù cho văn phòng ông trên tầng bốn, phải leo cầu thang bộ, bởi cuối tuần thì thang máy cũng “nghỉ ngơi” không hoạt động. Ông nói, ở nhà cũng có một phòng làm việc riêng trang bị đầy đủ mọi thứ như ở đây, nhưng ông vẫn thích làm việc ở văn phòng hơn. Ông thích cảm giác yên tĩnh, không đợi cảm hứng làm việc, mà “ép” mình có cảm hứng làm việc.


Tất nhiên đây là cách nói của ông thôi, thực chất ông là người tham công tiếc việc và làm nhiều việc một lúc một cách say mê, đầy trách nhiệm. Ông cũng thường khai bút đầu xuân vào sáng mồng 1 Tết ở cơ quan bởi khi ấy ông như thấy lòng mình sáng láng nhất; khai bút là khai tâm, khai tâm là khai trí; mà khai bút trong buổi sáng thanh bạch đầu tiên của năm mới thì chẳng còn gì bằng.


Nhưng có một điều rất đặc biệt là, dù làm việc ở bất cứ đâu cũng đều phải có chỗ dành cho tâm linh, ngày ngày ông đều đặn thắp nén nhang thơm, chưa khi nào quên. Ông thờ Phật, thờ Đức Thánh Trần, Nguyễn Trãi và thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông làm thế ngoài việc thể hiện tự hướng tâm vào một đức tin, tín ngưỡng, lòng ngưỡng mộ những nhân vật cả đời hy sinh cho dân tộc; thì đều liên quan đến câu chuyện nghề nghiệp.


Phật giáo là quốc đạo, là tâm lý của nhiều người Việt. Khi dựng vở liên quan đến Đức vua Lý Công Uẩn, Đức Vạn Hạnh, ông cần có sự hiểu biết sâu sắc về Phật giáo. Chưa kể, khi thờ Phật hay lui tới Phật tích cho ông cảm giác thanh thản nhất để có thể thanh lọc những gì còn bộn bề trong cuộc sống, minh định lại một số vấn đề, việc này giống như khi đi vào nhà chùa thì cần chuẩn bị cho mình một tâm thức khác. Tất cả những nghi thức bắt buộc nơi tôn nghiêm buộc người ta phải chuẩn bị cho mình một sự chuyển đổi về tâm lý, nhận thức và hành động, bởi những gì tốt đẹp nhất đều nằm trong giáo lý của bất cứ tôn giáo nào, Phật giáo lại càng gần với tâm lý người Việt hơn.


Ông dựng vở về đại thi hào Nguyễn Trãi, một danh nhân văn hóa (ông đã đọc rất nhiều về Nguyễn Trãi, mang đất và nước ở Chí Linh về thờ ở nhà, mua cả tượng con kỳ lân vì tuổi Nguyễn Trãi ẩn tinh con kỳ lân); dựng vở về Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đầu tiên bởi đây không chỉ là một vị lãnh tụ của dân tộc mà Bác Hồ còn là nhà văn hóa lớn và điều này đã hấp dẫn ông. Những con người huyền thoại ấy, những con người thuộc về lịch sử ấy là cảm hứng sáng tác nhưng cũng là hình ảnh tuyệt đẹp về nhân cách, đại diện cho cả một dân tộc và mang vẻ đẹp tiêu biểu Á đông mà ông cho rằng mình cần tôn thờ.


Tiếp xúc thì thấy, ông là người ý thức được mình đang đứng ở đâu, mình có gì, mình đang làm gì. Thực tế, ông là người, cho đến bây giờ, khi đã 66 tuổi, vẫn đang lao động cật lực, chưa khi nào xin ai cái gì, chưa giành giật bất cứ thứ gì của ai. “Tương lai nằm trong tay ta nhưng phải là bàn tay sạch”, ông khẳng định bằng câu nói chắc nịch và cái nhìn thẳng vào người đối diện như thế. Gia tộc có thể cho người ta sự nể trọng, nhưng không thể ỷ vào sự nổi tiếng của người đi trước để tiến thân, càng đừng nghĩ mình là tấm gương cho ai. “Mi là người bình thường và hãy cứ là người bình thường đi đã”, ông nói. Thậm chí, sinh ra trong một gia đình nổi tiếng thì càng phải giữ mình hơn, nhiều khi trọng trách đối với bản thân và dòng tộc còn nặng hơn nữa.


Thừa hưởng chất giọng từ cha mẹ


NSƯT Lê Chức sinh ra ở Hải Phòng (nhưng quê gốc ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) và được giáo dưỡng trong một không gian nghệ thuật rất đa dạng. Bố ông, kịch sỹ Lê Đại Thanh, biết tới 7 ngoại ngữ, vốn là giáo viên nhưng cả cuộc đời dành cho thơ và kịch, từng tham gia kháng chiến, sáng lập báo Cứu quốc, Văn nghệ, từng đoạt giải của Tự lực văn đoàn cho kịch bản “Hai người trọ học”…


Mẹ ông, bà Đinh Ngọc Anh là diễn viên không chuyên nhưng rất nổi tiếng của Hải Phòng, là người đầu tiên thể hiện hình tượng Võ Thị Sáu (kịch bản của chính chồng mình) trên sân khấu Hải Phòng năm 1956. Chị ông, NSƯT Lê Mai, các cháu ông: NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vân và NSƯT Lê Vi… đều là những nghệ sĩ có tên tuổi. Anh trai Lê Đại Chương, nhạc trưởng của đoàn chèo Cổ Phong, nhưng mất sớm; người anh kế cận là họa sỹ Lê Đại Chúc nổi tiếng vẽ chân dung; anh cả Lê Đại Châu là nhà văn của Hải Phòng…


Ông vì thế được sống trong không gian văn hóa nghệ thuật từ rất sớm. Ông cũng thừa nhận rằng, những gì mà cha mình có đều hiện diện ở con người ông theo cách này hoặc cách khác. Nhưng có lẽ, cái dễ nhận thấy đầu tiên chính là giọng nói. Nhiều người nói, ông đang sở hữu “một giọng chuẩn về Tiếng Việt”, chất giọng ấy ông được thừa hưởng từ cả bố lẫn mẹ.


Và cũng chính vì sở hữu cái giọng chuẩn ấy mà người ta không “nhận ra” ông vốn là người Hải Phòng, bởi đặc trưng giọng nói và phát âm của con người ở thành phố Hoa phượng đỏ này, cho đến bây giờ vẫn còn lẫn lộn “N” và “L”. Nhà thơ Lê Đại Thanh cha ông từng đọc thơ trong kháng chiến (ông ở Trung đoàn 42 trong suốt 9 năm đi kháng chiến). Có lúc người ta đốt đuốc để cha ông đứng đọc thơ trên một mom đất khi bộ đội đi qua. Đọc chay, chứ làm gì có micro. Vì thế nhiều người đùa rằng, Đại Thanh chính là người “có tiếng nói to”. Đĩa stereo thơ đầu tiên của Việt Nam là ông đọc (năm 1980) cùng với dàn nhạc giao hưởng có tên “Trường Ca Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, đĩa này khi dựng hòa âm phải đưa sang Hunggari làm bởi khi ấy Việt Nam chưa có kỹ thuật dựng như ngày nay.


Bây giờ thì nhiều người biết đến ông bởi chất giọng trầm ấm, truyền cảm, có sức lan tỏa, chuẩn về phát âm. Ông đọc thơ cho Đài Tiếng nói Việt Nam trong chương trình Tiếng thơ. Ông đọc hầu như tất cả những phim tài liệu quan trọng, kể cả những phim truyền thống của ngành điện ảnh, phim truyền thống của ngành phát thanh truyền hình. Ký sự Thăng Long (với 80 tập trên tổng số 100 tập), Huyền thoại tàu không số (10 tập), hệ thống phim Mùa xuân toàn thắng, Lễ hội Chè, Lễ hội Đức thánh Trần Hưng Đạo, Đức Nguyễn Trãi… đều do ông đọc lời bình. Thậm chí người ta có thể nghe giọng ông trên các loa công cộng đọc hướng dẫn về một chính sách nào đó hay hướng dẫn bỏ phiếu… Ông cười vui bảo rằng: “Khủng khiếp luôn khi có ngày ở góc đường nào cũng thấy giọng và tiếng của Lê Chức làm phiền mọi người”!


Nhưng thật ra, việc đọc lời bình mà có người nói ông đi “bán giọng” ấy là lao động nghiêm túc, vất vả, đầy mồ hôi và công sức. Vì vẫn đang làm việc ở Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, lại ở cương vị quản lý, không thể đi thu âm vào giờ hành chính, mà ông cũng không bao giờ làm như thế (hiện nay ông phải dừng đọc thơ cho chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam vì họ mời thu âm trong giờ hành chính), nên ông đi vào giữa trưa, nhiều ngày nắng chang chang, nhiều ngày mưa gió rét, nhưng chưa một lần lỡ hẹn hay muộn giờ. Ông làm điều này vì nhiều lẽ, được thêm nhiều kiến thức, được cộng tác với anh em, được phục vụ công chúng, sau cùng mới là thêm nguồn thu nhập chính đáng mà tiền ấy nhiều khi ông dùng để giúp đồng nghiệp và cùng gia đình làm từ thiện.


Trong ba năm lại đây, đạo diễn Lê Chức còn được mời để dàn dựng hai tác phẩm âm nhạc cho Nhà hát Vũ kịch Việt Nam. Đó là “Thanh xướng kịch: Hoa Lư-Thăng Long, bài ca dời đô” và “Thanh xướng kịch: Định mệnh bất chợt” (của nhạc sỹ Doãn Nho và nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo. Ông coi đó là một cuộc hợp tác nghệ thuật đẹp đẽ và hiểu biết.


Và người nghệ sĩ đa tài


Ông cũng bảo rằng, ông sinh ra để chỉ làm nghệ thuật (ông tuổi Đinh Hợi, SN 1947). Từ lúc bước chân vào đoàn kịch Hải Phòng khi mới 18 tuổi (từ 1965) với vai đầu tiên là Hoài “sữa” (vở Chiều cuối, kịch bản: Thiết Vũ, đạo diễn: Dương Ngọc Đức) và trong suốt mười lăm năm sau đó chưa từng đóng vai phụ. Sau đó, ông học lớp đạo diễn sân khấu tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh Kiev (Ucraina), tốt nghiệp với tấm bằng đỏ.


Về nước, ông là chuyên viên sân khấu của Cục Nghệ thuật Sân khấu và nhận trọng trách Phó Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương VN) rồi Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn phụ trách mảng sân khấu và bây giờ là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Trong suốt bằng ấy năm, ông miệt mài với công việc và làm nhiều việc một lúc: sáng tác kịch bản, hướng dẫn sinh viên kỹ thuật biểu diễn, dạy lớp MC toàn quốc (14 khóa), viết kịch bản lễ hội, viết lời bình, đọc lời bình…


Bận rộn là vậy, nhưng ông vẫn có những khoảnh khắc dành cho thơ, ông bảo mình đi nhiều và hay quên, vì thế cần nhớ thì ghi lại thành thơ (ông đã có 3 tập thơ do NXB Hội Nhà văn ấn hành). Thơ ông phần nhiều viết về Hải Phòng, nơi ông sinh ra như để ghi dấu những bước đi đầu tiên vào ngành sân khấu của mình: "Nơi tôi ra đời bốn phía là sông/Phố xá như những con thuyền nhấp nhô sóng cả/Tháng bảy bão vào từ biển gió/Tháng năm phượng nở/Bồng bênh cây cầu lửa trên đầu/Mỗi sớm sương tan/Lồng ngực quê đẫy nhịp còi tàu/Những dây xích kéo neo/Những tay chèo hối hả/Buồm vát, buồm dơi tròn căng bụng gió/Lừ lừ khơi cho một bình minh”. Và ông nói, ông cũng như một con thuyền, đi từ bến quê để đến với bến bờ nghệ thuật và dành trọn đời mình nơi bờ bến ấy.



Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN