LTS: Công viên Thống Nhất (Hà Nội) được xây dựng từ những năm đất nước còn bị chia cắt để nói lên khát vọng thống nhất của cả dân tộc.
Nằm ở vị trí đắc địa của Thủ đô, sau năm 1975, công viên Thống Nhất đã được cải tạo, nâng cấp nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa xứng với ý nghĩa, tên gọi và lợi thế mà công viên này có được.
Nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Tin tức xin giới thiệu bài viết của KTS. Nguyễn Thế Khải về những ý tưởng quy hoạch xây dựng để công viên trở thành một biểu tượng đẹp về chủ đề thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Kts. Nguyễn Thế Khải
Cần nghiên cứu, chọn lọc những sự kiện, hình ảnh tiêu biểu của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước để thể hiện trong công viên xuyên suốt theo chủ đề “Thống nhất”. |
Công viên Thống Nhất thành phố Hà Nội được khởi công xây dựng từ thập niên năm mươi của thế kỷ XX để nói lên khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Nhiều cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân hai miền Nam Bắc đã bỏ công sức lao động trực tiếp trên công trường: Đào hồ, đắp nền, trồng cây… và đến nay nơi đây vẫn là một kỷ niệm thiêng liêng trong tâm khảm của người dân Việt Nam. Nhiều cán bộ học sinh, sinh viên thời đó, đặc biệt là những cán bộ miền Nam tập kết đến nay vẫn nhớ như in những hình ảnh và kỷ niệm sâu sắc này. Nhiều cuộc chia tay tiễn đưa cha, chồng, con, em mình vào Nam chiến đấu diễn ra tại nơi đây. Họ hẹn gặp nhau ngày thống nhất.
Trải qua nhiều lần cải tạo tu bổ, đến nay công viên đã trở thành một trong những công viên lớn: Có hồ nước đẹp, cây cối xanh tốt, một số công trình được xây dựng phục vụ đã phát huy hiệu quả; tuy nhiên đề tài “Thống nhất” vẫn còn mờ nhạt.
Để Công viên Thống Nhất trở thành một biểu tượng đẹp về cuộc đấu tranh thống nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, cần nghiên cứu chọn lọc những sự kiện, hình ảnh tiêu biểu nhất của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và thể hiện sao cho cả nội dung và hình thức đều xuyên suốt chủ đề “Thống nhất”.
Muốn vậy, Nhà nước và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chi tiết với những nội dung sau:
Khi đó, công viên không chỉ là nơi tập thể dục mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn và ý nghĩa. |
Về các công trình kiến trúc, mỹ thuật: Trên trục đường chính từ cổng phía đường Trần Nhân Tông vào cần xây dựng một tượng đài Thống nhất. Đây là một tượng đài hoành tráng thể hiện sự đoàn kết dân tộc giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Cùng với tượng đài sẽ là nhà triển lãm trưng bày những hình ảnh, tranh tượng sáng tác về đề tài thống nhất đất nước. Trong triển lãm, ngoài những hiện vật tranh ảnh trưng bày còn có phòng chiếu phim chuyên đề về đề tài thống nhất; phòng internet để du khách có thể truy cập những tư liệu lịch sử về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc.
Ngoài tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tượng Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã có sẽ xây dựng tượng, phù điêu các anh hùng liệt sỹ, những nhân vật có liên quan tới công cuộc giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước như: Chiến sĩ Giải phóng quân, Biệt động Sài Gòn, Phong trào Đồng khởi, Sinh viên Sài Gòn xuống đường, Giới Phật tử đấu tranh, Chiến thắng Núi Thành, Đồng Xoài, Ấp Bắc, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Đường Hồ Chí Minh trên biển, Đường Trường Sơn…
Trên tuyến đường sắt chạy quanh công viên sẽ xây dựng những công trình đặc trưng của ba miền đất nước bằng các công trình thu nhỏ biểu tượng của các thành phố: Hà Nội; Huế; Thành phố Hồ Chí Minh và những công trình tiêu biểu trên tuyến Bắc Nam như cầu Hàm Rồng, Bến Thủy, cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, Xuân Lộc, Cần Thơ, Hà Tiên… Như vậy, hành khách đi trên tàu “Thống Nhất” sẽ thấy được hình ảnh đất nước thống nhất thu nhỏ. Dưới hồ Bảy Mẫu cũng sẽ có những con tàu thống nhất đưa du khách đi du ngoạn quanh hồ, ra tham quan đảo Hòa Bình…
Trong công viên, trên các khu đất trống sẽ bổ sung các công trình có liên quan đến những sự kiện lớn trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Các trò chơi và những công trình hiện có cũng sẽ được cải tạo thay đổi theo chủ đề thống nhất. Dành một khu cho thanh thiếu niên cắm trại bằng những tăng, bạt, võng… của chiến sĩ Giải phóng năm xưa.
Về cây xanh, công viên sẽ chọn và giới thiệu các loại cây đặc trưng của ba miền Việt Nam: sầu riêng, vú sữa, mai vàng, dừa, xoài, tầm vông, trâm bầu, dừa nước… của miền Nam; kơ nia, xà nu, trung quân… của Tây Nguyên; nhãn vải, đa, hoa đào, hoa ban… miền Bắc.
Về ẩm thực, sẽ có các quán ăn giới thiệu với du khách về món ăn đặc trưng của ba miền: cá lóc miền Nam, nem Sài Gòn, các món ăn cung đình Huế, cà phê Tây Nguyên, phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, cá đất Tổ…
Về âm nhạc, xây dựng một phòng khán giả, một sân khấu ngoài trời để du khách tới sẽ được thưởng thức những bài ca, bản nhạc về đề tài thống nhất như “Bài ca hy vọng”, “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Nhạc Rừng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”; “Tiến về Sài Gòn”; “Giải phóng Miền Nam”; “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”…
Về hàng lưu niệm, sẽ có những quầy bán hàng giới thiệu sách báo, tranh ảnh, đĩa nhạc, giới thiệu về cuộc chiến đấu thống nhất đất nước… Đó là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của ba miền phục vụ du khách; đặc biệt có cả những dụng cụ, trang phục của các chiến sỹ Giải phóng như gậy Trường Sơn, mũ tai bèo, dép lốp, tăng bạt võng Trường Sơn…; sẽ có những nhà chụp ảnh kỷ niệm, du khách sẽ được mặc quần áo đặc trưng của ba miền, của bộ đội Giải phóng hay mũ rơm tránh máy bay để chụp ảnh…
Nếu thực hiện theo ý tưởng trên, Công viên Thống Nhất sẽ thực sự trở thành biểu tượng đẹp về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, điểm đến cho du lịch Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng; đồng thời các thế hệ người Việt Nam sau này sẽ hiểu biết được công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của cha ông thuở trước… Du khách nước ngoài cũng hiểu được ý chí giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và văn hóa của con người Việt Nam. Không những thế, du khách tới đây sẽ thấy được hình ảnh đất nước, thưởng thức các món ăn độc đáo, đặc trưng của ba miền, nghe những bản nhạc hay, những câu chuyện kể và nhận được những sách báo, đĩa CD, những món quà lưu niệm về chủ đề thống nhất của người Việt Nam.
Với nội dung trên, hai chữ “Thống nhất” sẽ thực sự được đánh thức trong Công viên Thống Nhất.