Thờ tổ nghề là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện sự biết ơn những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho nhân dân, di dưỡng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"... và Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhất những ngôi đình thờ tổ nghề, những ngôi đình ấy gắn bó chặt chẽ với lịch sử các phố “Hàng” ở Hà Nội.
Có rất nhiều những câu chuyện về nghề và đình thờ tổ nghề trên đất Thăng Long. Một trong bách nghệ của kinh kỳ là nghề thuộc da, làm và buôn bán giầy da. Phát triển sớm ở Thăng Long xưa, nghề thuộc da đã thu hút khá nhiều thợ thủ công về lập nghiệp. Theo sử sách, ông tổ của làng nghề da là Nguyễn Thời Trung và ba người bạn cùng quê ở làng Trúc Lâm, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, làm quan dưới triều nhà Mạc.
Trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, các ông đã bí mật học được nghề thuộc da và đóng giầy ở Hàng Châu đem về truyền dạy cho dân làng Trúc Lâm, Phong Lâm và Văn Lâm (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Sau này khi các ông qua đời, dân làng đã tôn vinh các ông làm Tổ nghề da giầy. Thế kỷ XVII, các thợ giầy ở Hải Dương đã mang kỹ thuật đó lên hành nghề tại Thăng Long, rồi cư trú tại các phố Hàng Hành, Hàng Giầy,…
Sau này, dân làng đã cùng nhau xây đình Phả Trúc Lâm ở số 40 Hàng Hành để thờ ông tổ nghề da giầy. Đến năm 1995, đình Phả Trúc Lâm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Thời xa xưa, những người thợ kim hoàn ở Định Công (Thanh Trì, Hà Nội), Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hưng Yên) mang theo nghề truyền thống của mình tụ hội về đất Thăng Long - Kẻ Chợ, tạo nên phố Hàng Bạc (thuộc phường Đông Các, huyện Thọ Xương xưa). Để ghi nhớ công ơn của các tổ nghề, những người thợ vàng bạc đã xây dựng nên hai ngôi đình thờ tiền nhân.
Những người thợ kim hoàn gốc Định Công dựng ngôi đình Trương Thị (Đình Trên), còn người thợ vàng bạc gốc Châu Khê thì mua đất dựng đình Kim Ngân (Đình Dưới) để thờ tổ nghề. Đình Kim Ngân cũng là địa điểm giao bạc để đúc và nhận bạc nén hồi thế kỉ XVIII. Trong dòng người thập phương đổ về kinh kỳ Thăng Long làm ăn buôn bán, có rất nhiều thợ thêu làng nghề Quất Động (Thường Tín, Hà Nội).
Nơi những người thợ thêu Quất Động làm và bán những sản phẩm thêu người ta gọi là phố Hàng Thêu. Phố Hàng Thêu khi ấy dài chỉ khoảng 40 m, nhưng mức sầm uất thì chẳng kém gì những con phố phát triển bậc nhất của Thăng Long. Sau một thời gian đứng vững ở đất kinh kỳ, những người thợ thêu Quất Động đã xây dựng Tú Đình Thị (đình Chợ Thêu) ở số 2A Yên Thái (quận Hoàn Kiếm) thờ ông Lê Công Hành, tổ nghề thêu Quất Động để ghi nhớ công ơn của người đem nghề thêu về cho dân làng, vừa là nơi để buôn bán các sản phẩm thêu ren.
Hàng năm, vào ngày giỗ tổ nghề thêu, những ai không về được Quất Động thì thường đến Tú Đình Thị lễ vọng tổ nghề. Đó chỉ là ba trong số rất nhiều di tích thờ tổ nghề ở Hà Nội. Mỗi một ngôi đình thờ tổ nghề đều có những ý nghĩa lịch sử và gắn bó với phố cổ Hà Nội như đình Hoa Lộc Thị (90 Hàng Đào) thờ tổ nghề nhuộm của dân làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương); đình Hà Vỹ số 11 Hàng Hòm thờ tổ nghề sơn của dân Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội); đình Xuân Phiến Thị số 4 Hàng Quạt thờ tổ nghề làm quạt họ Đào của dân Đào Xá (Ân Thi, Hưng Yên); đền Phúc Hậu số 2 Hàng Bông thờ tổ nghề tráng gương Trần Nhuận Đình; đình Lò Rèn ở số 1 phố Lò Rèn thờ ông Nguyễn Đắc Tài, tổ nghề rèn của dân Hòe Thị (Xuân Phương, Hà Nội)…
Theo lý giải của nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, Thăng Long - Hà Nội là thủ đô, kinh đô của các triều đại, đây cũng là nơi nhân tài hội tụ. Đó là những nhà khoa bảng, những dũng sỹ võ tướng, những văn quan, văn sỹ, thi sỹ, những nghệ sỹ và những nghệ nhân tài ba của các làng nghề bốn phương. Những thợ thủ công ấy đến từ khắp nơi, nhưng chủ yếu là dân tứ trấn: Xứ Bắc, xứ Đông, xứ Nam và xứ Đoài, những xứ (trấn) bao quanh đô thành Thăng Long - Hà Nội.
Chính họ đã lập ra nhiều phố “Hàng” ở Kẻ Chợ này. Có thể kể: Thợ khảm Chuyên Mỹ (Thường Tín, Hà Đông, Hà Nội) lập ra phố Hàng Khay; thợ tiện Nhị Khê lập ra phố Tô Tịch; thợ sơn Hà Vĩ lập ra phố Hàng Hòm; dân Đào Xá lập ra phố Hàng Quạt; phố Lò Rèn do dân Hòe Thị (Xuân Phương, Hà Nội); phố Hàng Đào do dân Đan Loan (Hải Dương) lập nên; thợ kim hoàn ở Định Công (Thanh Trì, Hà Nội), Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hưng Yên) lập ra phố Hàng Bạc...
Ban đầu, chỉ có một nhóm những nghệ nhân tài ba của các làng nghề này ra Kẻ Chợ làm ăn. Dần dà, họ kéo thêm anh em, bà con xóm mạc ra, ở cùng nhau trên một đoạn phố, lập thành phường nghề, phố nghề.
Hằng năm, đến ngày giỗ tổ nghề, họ thường trở về quê gốc mở hội hè, đình đám, tế lễ nhớ ơn tiền nhân đã truyền nghề cho ông cha họ từ bao đời. Về sau, phường nghề phát triển đông người, kinh doanh khấm khá, việc trở về làng không thể đi đông, nên họ chung tiền mua đất, xây đình, đền, chùa thờ vọng tổ nghề ngay tại nơi cư trú cho thuận tiện.
Phương Lan
Bài 2: Di tích thờ tổ nghề đang bị xuống cấp nghiêm trọng