Để khí nhạc có vị trí xứng đáng của mình

Diễn ra trong hai ngày 8-9/10/2014, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia (Hà Nội), cuộc hội thảo quốc tế “Đào tạo chuyên ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay”- một hoạt động “mở màn” cho Festival Âm nhạc mới Á – Âu, đã thực sự thể hiện sự “dụng công” của những nhà quản lý trong việc tạo vị thế cho khí nhạc.


Quang cảnh Hội thảo.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khẳng định: Hầu hết các nhạc viện trên thế giới từ trước đến nay đều có khoa đào tạo chuyên ngành về sáng tác âm nhạc (composition). Mục đích của việc đào tạo một nhạc sĩ sáng tác (composer) là sau thời gian học tập trong nhạc viện (khoảng 4 hoặc 5 năm với một người thầy chuyên ngành (thường là một giáo sư - nhạc sĩ có uy tín), cộng với những kiến thức cơ bản được trang bị, sẽ có thể trở thành một người viết nhạc chuyên nghiệp. 


TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu.


“Người nhạc sĩ trẻ phải làm chủ được những kỹ thuật sáng tác cơ bản thể hiện qua những tác phẩm đầu tay từ dễ đến khó, qua những học phần từ đơn giản đến phức tạp mà điểm cuối phải hoàn thành là một bản giao hưởng Symphony và được trình bày trong lễ tốt nghiệp bằng dàn nhạc giao hưởng. Đây là mô hình đào tạo kinh điển được áp dụng tại nhiều nhạc viện của Nga, Đức, Pháp và cả Việt Nam. Ngày nay, cũng có một số xu hướng dạy sáng sáng phi kinh điển như sáng tác âm nhạc điện tử (Electro acoustic) âm nhạc kết hợp với máy tính hoặc âm nhạc kết hợp với các tiếng động tự nhiên...”, TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết.


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, một "cây đa" trong nền khí nhạc Việt Nam.


Tuy nhiên, cũng theo TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, bản chất của việc dạy và học sáng tác là học các kỹ thuật kinh điển (sử dụng giải điệu, hòa thanh, phức điệu, tiết tấu, điệu tính và phi điệu tính (tonal và atonal) để xây dựng những kết cấu âm nhạc không lời (instrumental music) trong một hình thức định hình (kinh điển là 3 đoạn, biến tấu, sonate...). Sản phẩm âm nhạc đó, cần có dấu ấn riêng của cá nhân, không trùng lặp phong cách cũng như bút pháp của người khác và chuyển tải được trạng thái tình cảm của tác giả tới người nghe.


Chia sẻ cụ thể hơn, TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định, nói đến đào tạo nhạc sĩ sáng tác thì cần phải nói đến điều kiện của sinh viên để học sáng tác: Phải là người có năng khiếu âm nhạc, được học nhạc từ rất sớm, biết chơi thông thạo một đến nhiều nhạc cụ (piano, violon...) ở trình độ âm nhạc trung cấp trở lên, bộc lộ năng khiếu sáng tạo. Thời hiện đại cần có thêm kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm âm nhạc để hỗ trợ công việc thực hiện các tổng phổ...


Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng là đối tượng người thầy, chính các giáo sư nhạc sĩ làm công tác sư phạm đào tạo quyết định chất lượng và khuynh hướng phát triển của lớp nhạc sĩ sáng tác trẻ. Đây là đội ngũ những nhạc sĩ có uy tín, tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, có kinh nghiệm đào tạo sinh viên sáng tác. Nếu thiếu đội ngũ các giao sư nhạc sĩ chuyên sâu thì khó có thể đảm bảo đào tạo lớp kế cận có chất lượng.


“Nói về tầm quan trọng của việc đào tạo nhạc sĩ sáng tác, có nhạc sĩ sáng tác thì mới có tác phẩm âm nhạc. Tác phẩm sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi “cơ thể âm nhạc” của một quốc gia, một dân tộc, làm phong phú thêm các chương trình biểu diễn của các dàn nhạc giao hưởng, các nhà hát Opera Ballet, các Festival âm nhạc, cung cấp tác phẩm mới cho các nghệ sĩ Solist. Việc đào tạo nhạc sĩ sáng tác liên quan mật thiết đến đời sống âm nhạc của đất nước, nền âm nhạc của một quốc gia mạnh hay yếu phụ thuộc trước hết vào lực lượng sáng tác và đội ngũ tương lai kế cận. Chú trọng đến việc đào tạo nhạc sĩ sáng tác còn có tác dụng kích hoạt các chuyên ngành khác từ biểu diễn, chỉ huy đến nghiên cứu lý luận...”, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.


Với lịch sử đào tạo ngành sáng tác âm nhạc tại Việt Nam, thì có thể lấy mốc từ năm 1956 (năm thành lập trường âm nhạc Việt Nam). Theo đó, ngay từ những năm đầu tiên, chúng ta đã cử những cán bộ âm nhạc sang các nhạc viện lớn của thế giới như: nhạc viện Tchaikovsky (Matxcơva, nhạc viện Bắc Kinh, Thượng Hải, Lepzich, Sophia...). Chính những nhạc sĩ được đào tạo bài bản đã trở thành những lớp đầu tiên xây dựng nền khí nhạc Việt Nam và trở thành những người thầy đào tạo các thế hệ nhạc sĩ đi vào con đường chuyên nghiệp như: Trần Ngọc Xương, Hoàng Vân, Hoàng Đạm, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Ngô Sĩ Hiển, Ca Lê Thuần, Nguyễn Văn Nam, Minh Khang và các thế hệ tiếp theo như: Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài, Đào Trọng Minh, Đặng Hữu Phúc, Phạm Minh Thành, Việt Đức, Khắc Yên, Đức Trịnh, Trần Mạnh Hùng... Các thế hệ nhạc sĩ được đào tạo bài bản từ đó đến nay đã âm thầm đóng góp cho nền âm nhạc của đất nước bằng các tác phẩm khí nhạc và thanh nhạc.


Cuối cùng, theo Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, để thực hiện phương châm xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam hoàn chỉnh, phát triển cả thanh nhạc và khí nhạc: Âm nhạc chiều rộng phục vụ đại chúng, và âm nhạc hàn lâm bác học đỉnh cao làm nhịp cầu giao lưu với các nền âm nhạc tiên tiến của khu vực và thế giới, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung đào tạo nhiều nhạc sĩ sáng tác để có thêm nhiều tác phẩm tốt hay cho xã hội. Đặc biệt, sẽ đào tạo nhiều nhạc sĩ sáng tác để phát triển đội ngũ nhạc sĩ chuyên nghiệp góp phần nâng cao vị thế của nền âm nhạc chuyên nghiệp; khắc phục sự mất cân đối giữa thanh nhạc và khí nhạc, giữa âm nhạc giải trí với nền âm nhạc hàn lâm.


P.V

Ảnh: Huy Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN