Những ngày đầu xuân 2015, phóng viên báo Tin Tức đã có mặt ở nhiều lễ hội lớn như hội Xuân Yên Tử, hội đền Gióng, hội Lim, lễ hội Khai ấn đền Trần… tìm hiểu về nét đẹp của việc đi lễ đầu năm, đồng thời cũng tận mắt chứng kiến những bất cập, những điều chưa đẹp cần phải thay đổi của lễ hội hiện nay.
Cướp lộc trong lễ hội Gióng ở Sóc Sơn. Ảnh: Lê Phú |
Ngày mùng 6 tháng Giêng (âm lịch), hàng vạn du khách từ khắp mọi miền đất nước nơi nô nức đổ về khu di tích đền đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để tham dự lễ hội Gióng, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng khi chứng kiến màn cướp “giò hoa tre” trong hội Gióng, chúng tôi không khỏi “giật mình”, lo ngại trước kiểu ứng xử thiếu văn hóa ở đây.
Theo phong tục, giò hoa tre được đưa lên đền Thượng làm lễ tế, xong được chuyển xuống đền Hạ, nhưng vừa đưa được vào đến sân đền, nhóm thanh niên bảo vệ giò hoa tre đã bị hàng trăm người ào vào, xô đẩy cướp “lộc”. Những người này thậm chí không ngần ngại xô ngã cả những cụ già trong đoàn tế lễ. Có thanh niên còn cầm gậy vụt tới tấp vào những người bảo vệ kiệu, như cố tình đánh nhau, chứ không phải để cướp lộc…
Khi chúng tôi bày tỏ sự ái ngại trước màn tranh cướp lộc thiếu văn hóa ấy, một số người dân xung quanh bảo: “Năm nay còn đỡ, những năm trước còn có người vỡ đầu, chảy máu”.
Mang những thắc mắc ấy đến trao đổi với ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn, ông Sinh cho biết, việc cướp giò hoa tre, vốn là một phần của lễ hội từ xưa, mặc dù BTC đã tuyên truyền vận động nhiều, song vẫn còn một số người thiếu ý thức, xông lên cướp, sau đó người dân sẽ ùa lên cướp theo, và tình trạng lộn xộn là khó tránh khỏi.
Theo GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, việc “cướp lộc” trong lễ hội xưa là một nét văn hóa. Ở hội Gióng, việc cướp hoa tre vốn là một nghi thức của lễ hội, sau khi làm lễ xong, người ta sẽ tung hoa tre cho người dân, ai “cướp” được thì người ấy sẽ gặp nhiều may mắn. Đó là tranh cướp lành mạnh, điều này đã diễn ra hàng ngàn năm nay.
Còn tình trạng cướp giò hoa tre theo kiểu “bạo lực” phát sinh trong thời gian gần đây không còn là văn hóa, mà nó đã phá hoại toàn bộ hệ thống phong tục tốt đẹp vốn có của lễ hội này. GS Ngô Đức Thịnh cho biết: “Năm trước, người ta còn lợi dụng tục “cướp” hoa tre để trả thù cá nhân. Đến nay, tôi biết có một thanh niên vẫn còn ngớ ngẩn vì bị người cùng làng lợi dụng lễ hội để trả thù”.
Còn năm nay, một nhóm thanh niên vô lễ đến mức lao vào cướp hoa tre khi chưa làm lễ xong, khiến cho lực lượng bảo vệ phản ứng bằng cách vung gậy đánh, dẫn đến ẩu đả. Hành động này có thể coi là sự kém hiểu biết và tha hóa của một bộ phận người tham gia lễ hội, và việc không quản lý được dẫn đến tình trạng này thuộc về lỗi của BTC.
Khai ấn đền Trần (Nam Định), một trong những lễ hội tốn rất nhiều giấy mực của giới truyền thông, cũng như các nhà nghiên cứu trong thời gian qua, nhưng đến nay mới chỉ giải quyết được phần nào bất cập trong việc chen lấn để lấy ấn, còn việc tranh cướp lộc thì vẫn không có gì cải thiện, thậm chí có phần thiếu văn hóa hơn.
Đêm 14 tháng giêng, dù trời mưa khá nặng hạt, nhưng vẫn có hàng vạn người đổ về đền Trần đêm khai ấn. BTC đã phải huy động đến hơn 2.000 nhân viên an ninh, bảo vệ vào cuộc với nhiều chặng, chốt an ninh bảo vệ, để lễ khai Ấn diễn ra an toàn. Tuy nhiên, khi lễ khai Ấn kết thúc, cũng là lúc những hình ảnh xấu nhất, thiếu văn hóa nhất diễn ra.
Trong khi loa của BTC ra sức yêu cầu bà con trật tự để nhà đền phát lộc cho từng người, thì hàng trăm người bất chấp khuyến cáo, đổ xô vào các ban thờ, mạnh ai nấy chen, mạnh ai nấy cướp, bất kỳ cái gì có trên ban thờ, từ cây nến, phẩm oản, gói bánh, cành hoa… tất cả đều bị cướp trong nháy mắt. Không chỉ giẫm đạp, tranh cướp đồ lễ trên ban thờ, rất nhiều người đi lễ thậm chí còn giật kiếm thần từ ban thờ, rồi lấy tiền quẹt vào để lấy may.
Điều đáng nói là, những người được phép vào sân đền vào giây phút đó, thời điểm đó đều là những khách mời của BTC. Điều đó có nghĩa là, đa số những người tham gia cướp lộc thánh khi ấy là các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, hoặc là những người tham gia công tác trong cơ quan, đoàn thể xã hội. Và trong đó, chắc chắn không ít người có địa vị trong xã hội, trong cơ quan, đoàn thể… Nếu ngay cả những khách mời mà cũng xử sự thiếu văn hóa như vậy, thì bao giờ lễ hội đền Trần mới đẹp được?!
Đó chỉ là một vài ví dụ điển hình về những hiện tượng bất thường, phi văn hóa diễn ra trong lễ hội gần đây mà phóng viên tận mắt chứng kiến và ghi lại. Vẫn còn có rất nhiều lễ hội khác, với những mặt trái của nó mà vẫn chưa thể khắc phục được.
Bài cuối: Đừng để “tả tơi xem hội”
Phương Lan