Khoảng cách ngày càng xa
Có một thực tế là, khi bàn về các giải pháp để đẩy mạnh việc phát hành phim ở địa phương, hầu hết các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng ở các tỉnh, thành hiện nay đều đề xuất xin xây rạp mới. Tuy nhiên, theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, các địa phương chưa tính đến việc có rạp rồi thì lấy nguồn phim ở đâu để chiếu. Bởi nếu cứ trông chờ phim từ Nhà nước cấp xuống, thì vừa chậm, vừa không phù hợp thị hiếu, khiến khán giả quay lưng. Khán giả không đến rạp, hoạt động chiếu phim thu không đủ bù chi, thì sẽ không có kinh phí để tái đầu tư cho cơ sở vật chất...
Trong khi đó, các rạp tư nhân, liên doanh với nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất hiện đại ngay từ đầu. Đặc biệt, họ có hẳn đội ngũ riêng để dịch phim nước ngoài ra tiếng Việt, rồi thiết kế tờ rơi, potter, viết bài giới thiệu phim và làm công tác tuyên truyền, quảng bá nên thu hút được đông đảo khán giả. Cứ như vậy, cuộc cạnh tranh này khiến khoảng cách giữa các trung tâm chiếu phim tư nhân và Nhà nước ngày càng xa.
Cảnh trong phim “Bao giờ có yêu nhau”, một bộ phim ra rạp tháng 5/2016. |
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, để giải quyết vấn đề này, Nhà nước nên cải tạo các rạp cũ và kêu gọi tư nhân vào cuộc để nâng cao vai trò đóng góp của xã hội. Khi tự chủ, tự chịu trách nhiệm về miếng cơm manh áo của mình, những người đứng đầu các trung tâm chiếu phim sẽ có cách giúp nó phát triển.
Bên cạnh đó, để điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững, một trong những việc cần làm là giáo dục điện ảnh cho cộng đồng. Ở đó, cần phải tạo được cho công chúng văn hóa xem phim, thưởng thức phim.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể, đến Hàn Quốc tham gia Liên hoan phim Busan, ông mới hiểu, tại sao “xứ sở Kim chi” lại có một nền điện ảnh phát triển mạnh mẽ đến thế. Đó là bởi Hàn Quốc đã chi một khoản ngân sách lớn cho lực lượng phát triển điện ảnh cộng đồng. Đội ngũ này có nhiệm vụ tiếp xúc với từng đối tượng cụ thể như học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ… hướng dẫn khán giả xem phim, làm phim. Từ đó khán giả được nâng cao kiến thức về điện ảnh, để khán giả biết nên xem phim như thế nào, xem kiểu gì mới hấp dẫn, và để khán giả nhận biết được thế nào là hay, là dở… Trong khi đó, ở Việt Nam, ngay tại Hà Nội, Trung tâm phát triển điện ảnh, mỗi năm chỉ có khoảng 300 em được học làm phim trong vòng ít tuần. Con số này vẫn còn quá khiêm tốn. Còn ở các trường phổ thông, học sinh được dạy nhạc, họa… nhưng lại bỏ quên điện ảnh - bộ môn nghệ thuật phổ biến nhất, đại chúng nhất. “Vì thế, thị hiếu của khán giả Việt Nam rất lạ thường. Đơn cử, những bộ phim đoạt giải Oscar, giải Cannes không có mấy người xem, còn phim nội dung hời hợt lại được yêu thích. Đặc biệt, nhiều khán giả xem phim theo kiểu chơi games, có nghĩa là, họ đến rạp kiếm tìm một thứ cảm giác mạnh trong 1-2 tiếng, xong về quên luôn”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận xét.
Giáo dục điện ảnh cho cộng đồng
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, việc giáo dục điện ảnh cho cộng đồng không khó. Hiện nay, hầu như trường phổ thông nào cũng đều có máy chiếu. Việc tìm kiếm nguồn phim hay không thiếu, việc mời những người am hiểu điện ảnh đến nói chuyện với học sinh cũng không phải quá khó, và chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức những buổi học về điện ảnh ở các trường phổ thông, đào tạo về văn hóa xem phim, thưởng thức phim cho các em học sinh…
Thực tế cho thấy, hiện nay, những nhà làm phim trong nước đang phải “gồng mình” cạnh tranh với phim nước ngoài ngay trên chính sân nhà mình. Và để tồn tại được giữa “rừng” phim nước ngoài, buộc các nhà làm phim trong nước phải chú trọng đầu tư cho tác phẩm của mình ngày càng tốt hơn.
Thời gian qua, nhiều người làm điện ảnh không hài lòng, thậm chí còn kiến nghị đến các cơ quan quản lý văn hóa, phản ánh tình trạng các rạp tư nhân, liên doanh thời gian chiếu phim Việt thường ít, lại vào khung giờ không đẹp. Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, chúng ta cũng nên nhìn thẳng vào thực tế, đó là chất lượng phim Việt chưa đạt đến mức để các rạp phải ưu ái, công tác quảng bá, tuyên truyền cũng chưa tốt. Chính vì vậy, điện ảnh Việt cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta có những phim tốt như “Em là bà nội của anh” hay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… thì chắn hẳn các đơn vị tư nhân, liên doanh vẫn chiếu vào giờ vàng với tần suất cao. Cơ chế thị trường không thể bắt người ta chiếu phim mà chỉ có 5 người xem. Tuy nhiên chúng ta cũng cần đề nghị có một chính sách khuyến khích, ưu tiên phim Việt được chiếu nhiều hơn, có một tỷ lệ chiếu phim Việt thực tế hơn để chúng ta có được thời gian chiếu ở rạp tốt hơn.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng cho rằng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, các nhà làm phim Việt cần phải biết quảng cáo tốt cho bộ phim của mình, để kéo khán giả đến rạp. Lấy ví dụ từ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, những người làm công tác PR cho bộ phim quá giỏi, khiến ai cũng muốn đi xem. Đấy là điều mà nhiều bộ phim Việt khác chưa làm được, nhất là những phim do Nhà nước đặt hàng, lại càng không có một khoản tiền nào chi cho công tác quảng bá phim… khiến cho nhiều phim đến khi công chiếu mà khán giả cũng chẳng biết đó là phim gì. Theo ông Nguyễn Hữu Phần, cùng với việc nâng cao chất lượng bộ phim, giáo dục cộng đồng văn hóa thưởng thức phim, để việc phát hành phim hiệu quả, để kéo được khán giả đến rạp, thì công tác quảng cáo, tuyên truyền cho phim Việt cũng là một yếu tố mà các nhà làm phim Việt cần chú trọng trong thời gian tới.