“Cồng kềnh” xuất ngoại
Theo Quyết định 1447/QĐ-BVHTTDL ngày 6/5/2015, về việc tổ chức Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Belarus trong năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có rất nhiều đơn vị tham gia vào chương trình giao lưu này, bao gồm: Cục Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hoạt động của chương trình cũng rất “phong phú”, bao gồm: Các chương trình biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc, truyền thống và hiện đại đặc sắc kết hợp trình diễn thời trang áo dài; triển lãm ảnh giới thiệu Việt Nam, đất nước con người tại Belarus…
Trong đó, Cục Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm tháp tùng đoàn đại biểu cấp cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đảm nhận tổ chức triển lãm và các sự kiện liên quan. Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ có đoàn nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, đồng thời có lãnh đạo nhà hát, học viện tham gia làm trưởng, phó đoàn. Sở dĩ phải “trình bày” rõ như vậy để thấy số lượng người tham gia một chương trình “cồng kềnh” đến thế nào, bao gồm cả các nghệ sĩ tham gia biểu diễn, lãnh đạo các đơn vị đi theo quản lý, tháp tùng, tất cả cũng phải lên tới vài chục người.
Với những “sản vật” như thế này, các hoạt động ngày văn hóa, lễ hội văn hóa của Việt Nam thật sự khó thu được hiệu quả như mong muốn. |
Dĩ nhiên, nhân sự “cồng kềnh” thì kinh phí cũng “cồng kềnh” theo. Theo đó “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu các chi phí từ nguồn kinh phí đoàn ra năm 2015 của Bộ do Cục Hợp tác quốc tế quản lý, gồm: Các chi phí cho đoàn lãnh đạo Bộ và đoàn nghệ thuật gồm: Đi lại quốc tế, phí thị thực nhập cảnh, thị thực quá cảnh, bảo hiểm, khoán taxi, điện thoại liên lạc, quà tặng, tiệc chiêu đãi, phiên dịch; chi phí ở, ăn và tiêu vặt và các chi phí liên quan khác; cước vận chuyên đạo cụ”.
Còn các đơn vị được giao nhiệm vụ chịu các chi phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2015 của đơn vị mình. Cụ thể: Cục Hợp tác quốc tế chịu chi phí: Thiết kế, sản xuất ảnh triển lãm, bản quyền ảnh, in ấn tài liệu phục vụ triển lãm và các chi phí khác liên quan đến chuẩn bị hàng triển lãm trong nước; Cước vận chuyển hàng triển lãm; các chi phí cho đoàn 3 cán bộ Cục Hợp tác quốc tế… Nhà hát Nhạc, Vũ, Kịch Việt Nam chịu chi phí xây dựng chương trình, chuẩn bị trang phục biểu diễn, bồi dưỡng tập luyện và biểu diễn cho nghệ sỹ, lệ phí hộ chiếu cho nghệ sỹ, tiền thuê áo dài trình diễn và các chi phí liên quan khác. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chịu chi phí chuẩn bị trang phục biểu diễn, bồi dưỡng tập luyện và biểu diễn cho nghệ sỹ, lệ phí hộ chiếu cho nghệ sỹ và các chi phí liên quan khác.
Đây chính là “mô hình” chuẩn của một sự kiện tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, được tổ chức mỗi năm cũng khoảng trên dưới 10 chương trình.
“Ngồn ngộn” chương trình
Từ đầu năm tới nay, tính ra cũng đã có tới 3 sự kiện ngày văn hóa của Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài.
Mới đây nhất là “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Philippines 2016” được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Philippines (12/7/1976 - 12/7/2016), diễn ra từ ngày 12 - 16/7/2016, với rất nhiều chương trình. Đặc biệt, đêm khai mạc bao giờ cũng là chương trình hoành tráng với nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc… Chương trình có sự góp mặt của vài chục nghệ sĩ, diễn viên.
Ngoài đêm khai mạc, chương trình ngày văn hóa cũng bao gồm các buổi biểu diễn giao lưu nghệ thuật cùng các nghệ sĩ Philippines tại tỉnh Bulacan; chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ Tiếp tân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Philippines do Đại sứ quán Việt Nam tại Manila tổ chức.
Trong khuôn khổ “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Philippines”, như thường lệ, là một cuộc triển lãm, lần này là triển lãm “Sơn mài và Thổ cẩm Việt Nam”, do Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức, trưng bày; giới thiệu hơn 100 hiện vật gồm các sản phẩm sơn mài và thổ cẩm truyền thống, trang phục áo dài, trang phục một số dân tộc và đặc biệt là bộ sưu tập búp bê trong trang phục các dân tộc, cùng nhiều hiện vật thổ cẩm khác. Triển lãm diễn ra trong ba ngày, từ 13 - 15/7/2016.
Trước đó, “Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản” lần thứ 9 cũng đã diễn ra tại Công viên Yoyogi (Tokyo, Nhật Bản) trong hai ngày 11 và 12/6/2016, với khoảng hơn 110 gian hàng, bao gồm quầy ẩm thực và các gian trưng bày hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, giới thiệu những điểm du lịch của Việt Nam như các di sản thế giới hay những khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam. Trong khuôn khổ lễ hội, cũng đã diễn ra các chương trình văn hóa, âm nhạc, thời trang, biểu diễn nghệ thuật dân tộc và hiện đại, do nghệ sĩ từ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, các ca sĩ Uyên Linh, Tuấn Khanh, Trang Pháp... thể hiện.
Và cùng thời điểm đó, “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2016” cũng đã được tổ chức với các hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, chương trình xúc tiến du lịch... như trình diễn các tiết mục nghệ thuật ca, múa, nhạc truyền thống kết hợp hiện đại của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tại chương trình khai mạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật tổ chức tại Volgograd, chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ Tiệc tiếp tân của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong khuôn khổ chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam tại Liên bang Nga.
Được biết, để chuẩn bị cho triển lãm “Sơn mài và Thổ cẩm Việt Nam” trong khuôn khổ “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Philippines 2016”, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã mất gần 1 tháng trời tìm hiện vật, sắp xếp… Còn để tổ chức “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2016”, đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham gia tổng duyệt chương trình ngay trước khi các đoàn lên đường.
Bài cuối: Cần tính đến hiệu quả