Sáng 7/4, trong khuôn khổ Tuần lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015, tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật - Khu di tích Bà Triệu và Lễ hội Bà Triệu năm 2015. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng công nhận Khu di tích Bà Triệu là "Di tích quốc gia đặc biệt" cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Khu di tích Bà Triệu là công trình văn hóa, lịch sử được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của nữ tướng Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô xâm lược nước ta vào thế kỷ thứ III.
Đền Bà Triệu được kiến trúc theo mỹ thuật thời Nguyễn "nội công ngoại quốc" bao gồm: Tiền đường, sân Thiên Tỉnh, Trung đường, Hậu điện, tả vu, giải vũ... trong đó Hậu điện thờ Vua Bà, Trung điện thờ Triệu Quốc Đạt và các tướng quân họ Lý, Tiền điện thờ Thánh tổ và bách gia trăm họ. Đặc biệt, cổng trung được thiết kế theo kiểu cổng tứ trụ cổ truyền, với những cột đá to lớn thể hiện sự uy nghiêm của đền Bà.
Qua cổng nội là sân tiền đường có hai con voi bằng đá chầu phục, nền sân lát gạch bát. Khu tiền đường được phục hồi lại theo nếp nhà cũ 3 gian, 2 cặp rồng và áng mây bằng đá được chạm khảm tinh xảo, đẹp mắt nằm hai bên bậc lên xuống của trung đường và hậu cung. Trên mái của các cung được trang trí bằng những con giống như: kiềm, xô, đầu rồng, nghê... Công trình sử dụng các yếu tố mang tính dân tộc như dùng hoàn toàn gỗ lim để làm cột, kèo, xà, rui, vì và cửa; mái ngói và tường gạch loại tốt nhất, nung già, riêng mái ngói lợp dày 20 phân; nguyên liệu đá Thanh Hóa...
Bên cạnh đó là một không gian tĩnh lặng với hồ sen, vườn cây, sân cỏ, đường đi lối lại đều được lát bằng đá tảng, vô cùng sạch sẽ và thoáng mát cùng với đình làng Phú Điền, khu lăng mộ Bà Triệu, lăng mộ các tướng quân họ Lý... đã tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh của công trình kiến trúc có nhiều giá trị nguyên gốc đặc sắc về nghệ thuật và mỹ thuật truyền thống trong 1 không gian của làng Việt cổ.
Đây là công trình kiến trúc mang tính tâm linh được trùng tu tôn tạo qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau; trong đó có nhiều di tích được bảo tồn khá nguyên vẹn, đảm bảo tính nguyên gốc như đình Phú Điền với những bức chạm lộng, chạm bong tinh xảo trên một đồ án bố cục chặt chẽ thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của những nghệ nhân tài hoa thời bấy giờ.
Qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đền Bà Triệu đều được cho tu sửa, ban sắc phong và quy định tế lễ với nghi thức quốc lễ. Năm 1979, đền thờ và lăng mộ Bà ở xã Triệu Lộc đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 1996, di tích đình làng Phú Điền cũng được công nhận Di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Hiện nay nhiều công trình khác cũng đang được tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư như: Khu Tượng đài Bà Triệu, hạ tầng và khuôn viên đền Bà Triệu, khu du lịch văn hóa sinh thái núi Tùng, núi Gai... để tương xứng với công lao, tầm vóc, vị thế của nữ anh hùng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.
Hoa Mai (TTXVN)