Ngày 17/9, tại làng Ân Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp với UBND huyện Hoài Ân tổ chức lễ khánh thành và đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Tăng Bạt Hổ.Di tích Đền thờ Tăng Bạt Hổ. Ảnh: binhdinh.gov.vn |
Đền thờ Tăng Bạt Hổ đã được tộc họ và chính quyền huyện Hoài Ân xây dựng năm 2001, đến năm 2003 được UBND tỉnh Bình Định công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Để tri ân, ghi nhận công lao sự nghiệp của nhà chí sĩ Tăng Bạt Hổ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược, từ năm 2012 đến nay, từ nguồn kinh phí của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước đã huy động được trên 5 tỷ đồng để nâng cấp Đền thờ Tăng Bạt Hổ trong khuôn viên được qui hoạch 5.300 m2 (gấp 10 lần so với trước đây), trong đó diện tích xây dựng đền thờ chính 160 m2, cùng nhiều công trình tường rào, cổng ngõ và cảnh quan trong khuôn viên của Đền thờ.
Nhà chí sĩ Tăng Bạt Hổ (1858 - 1906), quê quán làng An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân (Bình Định). Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lớn lên ông tham gia chiến đấu chống Pháp trong quân đội triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ, tham gia phong trào Cần Vương. Đến khi phong trào Cần Vương ở Bình Định thất bại, ông bôn ba nhiều nơi để tìm đường cứu nước và cuối cùng đã tham gia phong trào Đông Du do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo. Những hoạt động phong phú và đa dạng trong suốt 30 năm, qua 4 thời kỳ cho thấy ông là một nhà yêu nước quật cường bất khuất, luôn nung nấu ý chí “phục thù báo quốc”.
Việc nâng cấp và công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Tăng Bạt Hổ thể hiện sự đánh giá cao về tầm vóc, những cống hiến lớn lao của nhà chí sĩ yêu nước, chống giặc ngoại xâm để giải phóng dân tộc; qua đó giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Viết Ý