Đúng là văn học dân gian có nhiều dị bản trong quá trình lưu truyền nhưng dưới cái nhìn của thời hiện đại, dị bản lại trở thành dị truyện trong trí tưởng tượng không hợp lí. Đã có nhiều tuyển tập Truyện cổ tích Việt Nam và vì thế, những câu chuyện cổ tích từ thuở xa xưa được lưu truyền qua biết bao lần xuất bản. Tuy nhiên, mỗi lần xuất bản thì dường như tình tiết trong mỗi câu chuyện lại có chút thay đổi so với văn bản gốc. Cứ coi đó là “dị bản” bởi dị bản là một đặc trưng cơ bản của văn học dân gian.
Giữa “rừng” sách thiếu nhi, việc lựa chọn một cuốn sách chất lượng tốt không phải là dễ dàng.Ảnh: Thùy Hương |
Tuy nhiên, từ xa xưa, ông cha ta không có chữ viết, lưu truyền sản phẩm bình dân của mình theo phương thức truyền miệng. Từ vùng này sang vùng khác lại có cách kể khác nhau nhưng vẫn trên cơ sở cốt truyện của văn bản gốc.
Gần đây, câu chuyện cổ tích Thạch Sanh vốn được con trẻ yêu thích từ lâu đã gặp phải “tai nạn” không đáng có do sự tưởng tượng một cách lạc lối và thái quá về câu chuyện. NXB Kim Đồng cho xuất bản cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam”, theo cách kể được ghi chép trong cuốn sách mới này thì đương nhiên điều đó đồng nghĩa với việc coi Thạch Sanh là một dị bản. Nếu dị bản như thế quả là có nhiều điều đáng bàn.
Thứ nhất, văn bản gốc không có chi tiết nào nói về việc mẹ Thạch Sanh cởi lại quần để nhường lại cho con trai trước khi chết. Sự tưởng tượng này trong cách kể na ná truyện cổ tích Chử Đồng Tử. Cách kể này quả nhiên làm cho độc giả vừa phân vân vừa nhận thấy sự phản cảm. Không thể có chuyện con trai mặc quần của mẹ. Điều đó phần nào làm giảm đi chất lí tưởng về nhân vật Thạch Sanh. Thứ hai, cũng không có chi tiết Thạch Sanh giết chằn tinh đến nỗi phọt óc mà chết ở văn bản gốc. Chi tiết này chắc chắn sẽ gây nên cảm giác về sự giết chóc một cách dã man với lứa tuổi thiếu nhi.
Khi đọc câu chuyện này, độc giả và đặc biệt là con trẻ chắc chắn sẽ có những ấn tượng khác về nhân vật và câu chuyện. Trẻ sẽ học được gì từ những tình tiết vừa nực cười, vừa phản cảm? Liệu nhân vật Thạch Sanh “cởi truồng” dùng một ống quần của mẹ đóng khố có còn được các em yêu quí? Thiết nghĩ, sự am hiểu sâu sắc và nghiêm túc của người sáng tạo, sự kiểm duyệt chặt chẽ của cơ quan xuất bản sẽ hạn chế được những “dị truyện” hiện nay.
Văn học dân gian chấp nhận hiện tượng dị bản dù là thời xa xưa hay thời hiện đại. Tuy nhiên, dị bản vẫn phải trên cơ sở văn bản gốc, có chăng chỉ thay đổi một vài chi tiết nhưng không làm phương hại đến nội dung câu chuyện. Dưới cái nhìn của thời hiện đại, dường như đã có sự tưởng tượng thái quá để làm nên những dị bản không phù hợp. Chúng ta nên nhớ, để có được những dị bản ở bất kì câu chuyện cổ tích hay một thể loại văn học dân gian nào thì dị bản ấy phải trải qua một thời gian dài lâu “trải nghiệm” trong đời sống của nhân dân lao động. Dị bản ấy phải được “chiết suất” từ trong chính lời ăn nết nghĩ của con người chứ không phải một vài cá nhân nghĩ ra tình tiết cho vui rồi kể cho gây cười là xong một dị bản. Điều đó có nghĩa là, mỗi dị bản của văn học dân gian ở mỗi vùng hay mỗi thời điểm phải có sức sống lâu bền trong lòng nhân dân và được cộng đồng chấp nhận. Chẳng hạn, ngày xưa ông cha ta có câu ca dao: “Giếng làng ta vừa trong vừa mát/Đường làng ta lắm cát dễ đi” thì khi về làng Thổ Hà, người dân lao động nhận thấy cần tạo ra một dị bản để gắn câu ca dao với sự ca ngợi vẻ đẹp của quê hương mình. Vì thế, họ đã sáng tạo ra câu: “Giếng Thổ Hà vừa trong vừa mát/Đường Thổ Hà lắm cát dễ đi”. Người dân nơi đây đồng tình và thấy hợp lí, từ đó đến nay, dị bản ấy vẫn sống mãi trong lòng nhân dân vùng này.
Xin hãy để những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mãi là cổ tích, không nên khoác lên sản phẩm tinh thần của nhân dân lao động từ bao đời nay tấm áo choàng với những sắc màu lộn xộn và phản cảm. Chúng ta có quyền tiếp nối dòng cảm hứng của cha ông mình qua việc sáng tạo ra những dị bản nhưng không được biến những tác phẩm văn học dân gian thành những dị truyện.
N.T.L