Ngày kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cận kề, đây cũng là thời gian cao điểm tỉnh Điện Biên đón khách du lịch tới tham quan các khu di tích. Thế nhưng, do buông lỏng quản lý, nên nhiều di tích lịch sử ở Điện Biên đang bị xâm hại, gây nhếch nhác, tạo ấn tượng không tốt đối với nhiều du khách.
Không biết vì lý do gì, một phần của khu đất thuộc Khu Di tích Hầm Đờ Cát, thuộc địa phận phường Thanh Trường (thành phố Điện Biên Phủ) lại trở thành nơi tập kết đất đá, cát sỏi.
Khu đất nằm sát bên tuyến đường từ cầu Mường Thanh đi xã Thanh Luông (huyện Điện Biên). Trước đây, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho doanh nghiệp thuê để trồng cây cảnh. Thực tế đây là phần đất thuộc quy hoạch di tích, mọi việc làm không nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp khu di tích thì đều là sử dụng sai mục đích. Hiện nay, khu đất đã trở thành bãi tập kết đất đá, cát sỏi. Những đống cát to nằm chình ình cùng với ngổn ngang gạch đá và phế phẩm xây dựng. Ngay sát lề đường cạnh khu đất di tích là nơi tập kết rác của người dân sống quanh khu vực. Vì vậy, đoạn đường lúc nào cũng trong tình trạng đầy bụi và bốc mùi rác thải.
Điều đáng nói là đơn vị quản lý là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn mơ hồ về sự việc này. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng khẳng định khu đất thuộc quần thể di tích Hầm Đờ Cát. Tuy nhiên, phía bảo tàng còn chưa xác định rõ được việc đổ đất đá ở khu vực này là do đơn vị đang thuê đất trồng cây xanh hay là thuộc dự án cải tạo, nâng cấp di tích.
Mang thắc mắc đến gặp Ban Quản lý dự án Di tích Điện Biên Phủ, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Bốn khẳng định rằng chưa hề có một dự án cải trang, tôn tạo di tích đang thi công tại khu đất này. Đây là khu đất quy hoạch di tích bởi vậy trách nhiệm quản lý vẫn đang thuộc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ông Bốn cũng khẳng định rằng, việc đổ đất đá, cát sỏi lên khu đất như hiện nay là sai quy định, sai mục đích sử dụng và gây phản cảm đối với khách du lịch.
Việc lãnh đạo Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn chưa nắm rõ về việc đổ đất đá ở khu di tích cho thấy việc quản lý di tích ở đây còn buông lỏng. Nếu mục đích của việc đổ đất đá không thuộc dự án cải tạo, nâng cấp, thì việc đất di tích bị biến thành nơi tập kết đất đá như hiện nay rõ ràng là hành vi xâm hại.
Một điểm di tích khác là khu trung tâm Đề kháng Him Lam thuộc phường Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ) cũng nhếch nhác không kém. Đây là điểm di tích quan trọng trong quần thể Di tích chiến trường Điện Biên Phủ, thế nhưng lại đang phải chịu cảnh heo hút và vắng bóng khách tham quan. Khu di tích có 3 đường dẫn khách du lịch tham quan 3 cứ điểm nhưng mới chỉ có 2 cứ điểm là có đường bê tông, còn cứ điểm số 3 du khách phải leo đồi bằng lối mòn. Các lối đi, hệ thống đường hào trong di tích cỏ mọc um tùm mà không được phát dọn.
Được biết, Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích này được phê duyệt đầu tư từ năm 2006 với nguồn kinh phí hơn 48 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2008. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh thời gian, dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Theo ông Nguyễn Văn Bốn cho biết, việc chậm tiến độ dự án là do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng và nguồn vốn. Lúc có vốn để đầu tư thì lại vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng, đến lúc giải phóng được mặt bằng thì lại không có vốn để nâng cấp, cải tạo. Hiện nay, dự án đã giải ngân 20 tỷ, trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án Di tích Điện Biên Phủ sẽ đề nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh để bố trí nguồn vốn hoàn thành dự án này.
Xuân Tư