Những tín hiệu ban đầuVào những năm đầu của thế kỷ XX, thỉnh thoảng người ta nghe đâu đó một câu chuyện thời sự thuộc loại “tin tức bòn vàng” ở vùng đất Ba Thê. Rồi một lần nào đó, lại có dư luận “xí được vàng” trong vùng “đồng bái” tận miệt Cạnh Đền (xã Vĩnh Phong, Kiên Giang - xưa thuộc tỉnh Bạc Liêu), cái xứ sở nổi tiếng đô hội một thời.
Ở Ba Thê, thỉ thoảng người ta đào được tượng Phật hay tượng thần Bà La Môn bằng đá trắng. Ảnh: TL |
Tuy nhiên, cái “thời sự bòn vàng” trên cánh đồng Ba Thê có lẽ hấp dẫn hơn cả. Vì thỉnh thoảng có người “đào trộm” hoặc tình cờ trong khi cày cuốc trên cánh đồng Ba Thê - Óc Eo, người ta gặp được vàng hoặc các vật lạ như tượng thần, đồng tiền cổ, bình, chén lạ…
Cũng vào thời gian này, nếu có ai đó vãng cảnh chùa Linh Sơn ở triền Bắc núi Ba Thê, người ta sẽ thấy một pho tượng cao 3,3 mét, không thuộc hệ tượng phật ở Việt Nam. Quá lên phía Bắc vùng tứ giác Long Xuyên ngày nay, người ta cũng được nhìn tận mắt tượng “Bà Chúa xứ” được thờ trong một ngôi miếu khang trang ngay triền Đông Bắc núi Sam.
Nói chung, trong suốt một thời kỳ khá dài, nhiều tín hiệu được phát đi trong phạm vi đất đai được giới hạn từ Bắc tứ giác Long Xuyên đến Đông Nam rừng U Minh Thượng, tức Cạnh Đền, điểm đầu cầu để tới cánh đồng Nọc Nạng (Minh Hải cũ), nơi có nhiều sự tích có tính lịch sử.
Những cuộc truy tìmTừ năm 1937 đến 1944, ông Louis Malleret, nhà khảo cổ học người Pháp bắt đầu khai quật một tuyến dài từ Ba Thê - Óc Eo qua vùng Nền Chùa - Tà Keo (Kiên Giang) đến Cạnh Đền. Sau đó, nhiều nhà khảo cổ học trong nước và thế giới đã lần lượt tiến hành nhiều đợt khai quật từ đơn lẻ đến quy mô thuộc nhiều di tích khảo cổ trong vùng.
Trong cuộc truy tìm này, người ta đã kết hợp giữa khai quật trong lòng đất với việc thám sát trên không (chụp ảnh từ trên cao). Qua đó, đã xác định được các đường nước cổ trong vùng Tây sông Hậu. Nhìn chung, có nhiều khu di tích có đường nước cổ đan xen dày đặc, trong đó có một đường dài nhất khoảng 80 cây số chạy từ Angkor Borei (Tà Keo - Campuchia) đến Đá Nổi (Kiên Giang). Đại bộ phận đường nước này vòng qua đất An Giang (khu di tích Núi Sam, Bảy Núi, Ba Thê) và một đường nước khác khoảng 30 cây số, chạy từ Lung Lớn (Lung Giếng Đá) qua Tráp Đá, đến Nền Chùa. Quan trọng hơn, người ta còn phát hiện trong khu vực Ba Thê - Óc Eo, một vòng thành hình chữ nhật, ngang 1.500 m, dài 30… m. nếu tính cả diện tích là 450 mẫu (tài liệu của Malleret).
Mãi đến năm 1950, ông Malleret công bố lần đầu gồm một số tư liệu về kết quả khai quật của mình nhân kỷ niệm 50 năm thành lập trường Viễn Đông bác cổ của Pháp. Sau đó không lâu, ông cho in bộ tài liệu 4 tập có nhan đề chung “Khảo cổ học ở đồng bằng sông Cửu Long” (Paris, 1959-1963). Trong công trình này, ông đã đưa ra nhận định vùng đất từ Giồng Cát đến Giồng Xoài (ông gọi là cánh đồng Óc Eo), “có một thành thị cổ bị vùi lấp dưới lòng đất. Ông đặt tên cho thành thị đó là Óc Eo, hoặc cũng gọi là thị cảng Óc Eo, với một tiền cảng có tên là Tà Keo, nằm cách Óc Eo về phía Tây Nam 12 cây số” (Malleret, tài liệu đã dẫn).
Ngay sau khi ông Malleret công bố tài liệu của mình, nhiều người đã bắt đầu ý thức về những dấu vết vật chất có nguồn gốc từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Nhiều nhà khảo cổ Anh, Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô cũ, Ý… cùng các nhà khảo cổ nước ta, tất cả đã cố gắng bằng mọi khả năng có được để nhận ra một “thành thị Óc Eo” đã tồn tại trên vùng Tây sông Hậu cách nay trên 1.200 năm.
Suốt gần nửa thế kỷ qua, các nhà khảo cổ đã kết hợp chặt chẽ giữa những hiện vật tìm thấy trong vùng với nhiều tư liệu ở nước ngoài như bi ký (văn bia); thư tịch cổ Trung Quốc và những cuộc khai quật ở các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm khảo sát, tìm hiểu lịch sử, văn hóa trong khu vực, trong đó có Ba Thê - Óc Eo vốn là một điểm then chốt rất quan trọng.
Riêng về các điểm khai quật trong khu vực rộng lớn nói trên, các nhà khảo cổ đã lưu ý một địa điểm quan trọng ở Miến Điện - Điểm Beikthano. “Có thể nói rằng Beikthano và Óc Eo là hai thành thị thực sự vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất sau Công Nguyên ở Đông Nam Á được khảo cổ học biết rõ hơn cả”.
Nhìn chung, mọi cố gắng trên đây là đáng trân trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn không nhỏ. Đó là “những tài liệu khảo cổ học do L. Malleret công bố chưa được logic, khó mà xác định được niên đại một cách chắc chắn”. Việc đọc và nhận thức ý nghĩa ghi ở các bi ký của một số nhà khảo cổ học còn có điểm chưa thống nhất nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Ngay trong công việc khai quật ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, với những hiện vật có được, ông Malleret cho rằng, trong mỗi chủng loại ấy, có cái giống, hoặc có cùng đặc điểm với một nơi khác nhau trong khu vực. Nhưng dựa vào các hiện vật phong phú có trong tay, ông Malleret cũng đã coi Óc Eo thuộc về một nền văn hóa cổ, 3 nền văn hóa cổ đã có những mối liên hệ xa xưa nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố riêng, có thể coi như 3 loại hình văn hóa địa phương trên lãnh thổ nước ta: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo.
Về mối quan hệ giữa Óc Eo và nơi khác cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ông J.Bosseliet, nhà khảo cổ học người Pháp, sau khi khai quật ở U Thong, đã thấy địa điểm này và Óc Eo có nhiều nét giống nhau nên đã xếp cả hai vào một nền văn hóa chung, gọi là “văn hóa Phù Nam”. Ông Lương Ninh thì lại gắn Óc Eo với Sa Huỳnh (theo Lương Ninh, đã dẫn).
Cũng trong mối quan hệ này, ông Lưu Trần Tiêu có cách nhìn bao quát rất thú vị. Trước hết, ông cho rằng bình diện tổng thể của khảo cổ đồng bằng sông Cửu Long bao gồm từ Đông Nam Bộ đến tận bờ Tây sông Hậu. Và từ cơ sở đặt vấn đề như vậy, ông “quan niệm là có lẽ cần soi tìm bóng dáng của văn minh sông Đồng Nai trong nền văn hóa Óc Eo”.
Võ Vạn Trăm