Dịch văn bia tiếng Phạn tại Mỹ Sơn sang tiếng Việt và Anh

Ngày 3/4, tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), các nhà khoa học đến từ Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp với các chuyên gia Việt Nam, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã chính thức triển khai các bước thực hiện “Dự án về văn bia Mỹ Sơn”.

Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa. Mỗi vị vua sau khi lên ngôi đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật và xây dựng đền thờ. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Dự án về văn bia Mỹ Sơn được triển khai thực hiện dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học Ấn Độ sẽ tiến hành nghiên cứu, dịch thuật nội dung các văn bia cổ bằng tiếng Phạn (ngôn ngữ cổ của Ấn Độ) được khắc ghi tại hầu hết các công trình kiến trúc của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn còn lưu giữ đến ngày nay.

Trên cơ sở kết quả dịch thuật từ tiếng Phạn của các chuyên gia, nội dung văn tự khắc trên các văn bia ở Mỹ Sơn sẽ được chuyển sang tiếng Việt và tiếng Anh nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần làm sáng tỏ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghìn năm ẩn mình trong lòng tháp cổ.

Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Trưởng Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết: Hiện tại trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn có 31 văn bia bằng tiếng Phạn được khắc trên các chất liệu gạch và đá là những loại vật liệu chính của các công trình kiến trúc văn hóa Mỹ Sơn. Điều khó khăn nhất trong việc nghiên cứu, dịch thuật đối với các chuyên gia là nhiều văn bia đã bị vỡ, các mảnh vỡ bị thất lạc, do đó việc dịch thuật sẽ tốn nhiều công sức và thời gian mới có thể hoàn thiện.

Cùng với việc tiến hành một cách khoa học, thận trọng đối với công tác nghiên cứu và dịch thuật nội dung văn tự bằng tiếng Phạn khắc trên các văn bia, hiện tại các chuyên gia Ấn Độ đang tiếp tục công việc trùng tu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong dự án 5 năm từ 2016 - 2021 do Chính phủ Ấn Độ tài trợ.


Theo đó, trong năm 2018, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam sẽ tiếp tục trùng tu tại nhóm tháp K và H, đồng thời triển khai công tác trùng tu tại nhóm tháp A. Trong quá trình triển khai công tác khai quật, trùng tu các nhóm tháp K và H trong năm 2017 vừa qua, các chuyên gia đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị bị chôn vùi trong lòng đất như: Các chóp tháp cùng các họa tiết trang trí hết sức tinh xảo, các loại vật liệu xây dựng, tượng mình người đầu sư tử, phát lộ tuyến đường xuất phát từ sau cổng tháp K dẫn vào khu trung tâm Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Bước đầu các chuyên gia nhận định đây có thể là con đường dành riêng cho hoàng gia, các thành viên trong hoàng tộc cũng như các vị chức sắc tôn giáo trong các dịp hành lễ.
   
Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Hợp tác quốc tế trong bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Hợp tác quốc tế trong bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) bao gồm giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và giá trị di sản văn hóa môi trường cảnh quan, thiên nhiên có ý nghĩa trong việc giáo dục giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN