Điện ảnh, sân khấu Thủ đô 60 năm nhìn lại

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức “Liên hoan sân khấu Thủ đô 2014” (lần thứ Nhất diễn ra từ ngày 26/9 - 5/10). Các tác phẩm đã chuyển tải tới khán giả những bài học giá trị về đạo đức, lẽ sống, tính thời sự và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Vùng sân khấu mạnh của cả nước

Liên hoan sân khấu Thủ đô 2014 thu hút 9 đơn vị nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia, với 9 vở diễn thuộc nhiều thể loại như chèo, tuồng, kịch nói, cải lương. Các tác phẩm dự thi đã đề cập nhiều vấn đề thời sự trong đời sống xã hội như: nhân cách, phẩm giá của người Hà Nội, đạo làm người của người Hà Nội hoặc tình cảm của người dân Việt Nam hướng về Hà Nội, vì Hà Nội và cả số phận của những con người bình thường sống trên đất Hà Nội cả những thời điểm xa xưa cũng như hôm nay, chiến tranh và hòa bình, lịch sử và hiện tại…

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất - 2014 là động lực cho các cá nhân, đơn vị có thêm niềm tin để trải lòng sáng tác.



Ban tổ chức Liên hoan đã trao 19 giải Vàng, 23 giải Bạc cho các cá nhân và 3 giải vở diễn xuất sắc cho các vở: “Những người con Hà Nội” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Cánh chim trắng trong đêm” (Nhà hát Chèo Hà Nội) và “Hà Nội gió mùa” (Nhà hát Cải lương Việt Nam).

Nói về sân khấu Hà Nội 60 năm, ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sân khấu Điện ảnh, hiện là Phó trưởng ban lý luận Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đánh giá: “Sân khấu Hà Nội là một vùng sân khấu mạnh của cả nước. Hà Nội có những rạp hát lâu đời và đẹp, bên cạnh đó lại xây dựng được một đội ngũ các đoàn nghệ thuật, các diễn viên sân khấu có tài năng, có tâm với nghề, lại được sự ủng hộ của đông đảo khán giả”.

Nhìn lại 60 năm, sân khấu Hà Nội như là tia hồi quang phản chiếu sôi động, nhiều gam màu khác nhau về những chặng đường đã qua. Nhà hát kịch Hà Nội đã xây dựng thành công vở “Những người ở lại” của Nguyễn Huy Tưởng (viết năm 1948 trong khói lửa kháng chiến), khai thác chuyện trung đoàn Thủ đô bám trụ từng góc phố, từng căn nhà Hà Nội, ngăn chặn sự tái chiếm của thực dân.

Sau đó là vở “Hẹn ngày trở lại” (tác giả Lưu Quang Vũ) lấy chất liệu sống mãi với Thủ đô và kịch bản những người ở lại, vở kịch hoành tráng, diễn đúng vào dịp 30 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1984). Đề tài Hà Nội gần đây lại được Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục với vở: “Những người con Hà Nội” của NSND Doãn Hoàng Giang. Không chỉ ở mảng kịch nói, mà loại hình cải lương cũng đã có vở kịch về Hà Nội lấy được nhiều cảm tình của khán giả. Vở “Sen trắng Đông A” của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã giành huy chương Vàng hội diễn sân khấu...

Theo ông Nguyễn Văn Thành, sân khấu Hà Nội là một bức tranh đa diện vì sân khấu có nhiều loại hình. Mạnh nhất của sân khấu Hà Nội trong một thời gian vẫn là kịch, cải lương và chèo. Hơn 10 năm trở lại đây thì múa rối Hà Nội cả rối cạn và rối nước trở thành một hiện tượng đột phá của sân khấu cả nước. Ông cho rằng, sân khấu Hà Nội 60 năm qua là một quá trình có đi lên nhưng đầy thăng trầm và cũng có những giai đoạn chùng xuống, và điều đáng lo ngại nhất đó là nỗ lực tìm tòi sáng tạo cái mới trong biên kịch, trong đạo diễn, trong tạo hình sân khấu và trong biểu diễn chưa có những ấn tượng đáng chú ý và chưa đáp ứng được nhu cầu khó tính của khán giả ngày nay.

Sống mãi phim về Hà Nội

Với sắc lệnh được coi như dấu mốc thành lập của điện ảnh cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về việc thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam vào năm 1953, chỉ một năm sau, Thủ đô được giải phóng, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam có một mảng đề tài đa chiều, rộng lớn và có nhiều thành tựu, đã khai thác được “đậm đặc chất Hà Nội” trong các tác phẩm.

Ngay từ những ngày đầu tiên ấy, những bộ phim truyện về đề tài Hà Nội đã được sản xuất, trong đó không ít tác phẩm đến nay vẫn được coi là phim “kinh điển” của điện ảnh Việt Nam như phim “Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn” (Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi và Hoàng Thái - 1966). Đó là một tác phẩm điện ảnh độc đáo, được xem như bộ phim đầu tiên về thể loại phản gián của điện ảnh Việt Nam. Bộ phim này đã được nhận Bằng khen của Hội đồng Giám khảo tại Liên hoan phim lần thứ 2 - năm 1973. Một trong những bộ phim cho đến ngày hôm nay vẫn còn gợi lên những dư vang là “Em bé Hà Nội” của Đạo diễn Hải Ninh (1974). Lấy bối cảnh bộ phim là Hà Nội năm 1972, sau Giáng Sinh và đợt dội bom B52 của quân đội Mỹ.

Sau này, những bộ phim phản ánh được những đổi thay của Hà Nội vào thời kỳ đất nước thống nhất gây ấn tượng mạnh là “Hà Nội mùa chim làm tổ” (Đạo diễn Đức Hoàn - 1981). Hay một loạt phim thành công của đạo diễn Đặng Nhật Minh “Hà Nội mùa đông năm 46” (1997), “Mùa ổi” (2001), “Đừng đốt” (2009) hay như phim “Hà Nội 12 ngày đêm” (đạo diễn Bùi Đình Hạc - 2002), “Mùi cỏ cháy” (Đạo diễn Hữu Mười - 2012)… đều đã phản ánh được một Hà Nội đầy hùng khí và hào hoa, vừa sâu sắc vừa xúc động, làm nên một chất riêng không hề trộn lẫn.

“Hà Nội hôm nay đã mở rộng gấp bốn lần Hà nội xưa. Người khắp bốn phương đổ về Hà nội làm ăn sinh sống, mối quan hệ của Hà Nội với nông thôn ngày càng mở rộng. Trong bối cảnh đó, Hà Nội chính là nơi cưu mang, nâng đỡ những con người từ nông thôn ra Hà Nội để kiếm sống, đồng thời nông thôn lại là chỗ dựa cho những người Hà Nội khi cần. Tôi tin rằng, đề tài Hà Nội đã đang và sẽ mãi là một niềm cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật trong thời gian tới”, đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định.

Thiên Kim

Liên hoan sân khấu Thủ đô: Những cung bậc cảm xúc
Liên hoan sân khấu Thủ đô: Những cung bậc cảm xúc

Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất đã khép lại với rất nhiều những sắc màu, những cung bậc cảm xúc qua mỗi đêm diễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN