Phim ngoại nhập vẫn "lấn át" phim sản xuất trong nước, từ khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoàn toàn không có hạn ngạch, hạn chế phim nhập, dẫn đến việc phim ngoại xuất hiện ồ ạt, tràn lan tại các rạp chiếu hầu hết các tháng trong năm. Trong khi phim Việt sản xuất ra đã ít, cơ hội ra rạp còn ít hơn, nhất là với phim do các hãng nhà nước sản xuất, phim tư nhân thường xuất hiện theo mùa.
2 hệ thống rạp chiếu tư nhân và rạp Nhà nước có sự chênh lệch về tỷ lệ xem phim. Ảnh minh họa. |
Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó khăn khi phát triển của điện ảnh Việt Nam. Thực trạng này đã được nhiều người trong giới điện ảnh đề cập đến, trong đó có Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Thống kê từ phía ngành điện ảnh cho thấy: Năm 2011, số lượng phim nhập là 106 phim, trong khi phim sản xuất trong nước chỉ có 17 phim. Năm 2012, số lượng nhập là 134 phim, 7 phim bị cấm chiếu còn 127 phim ra rạp, phim sản xuất trong nước vẫn chỉ có 17 phim nhưng số lượng phim ra rạp chiếu còn ít hơn nhiều.
Việc nhập, phát hành phim nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu do các hãng tư nhân thực hiện. Gần đây, ở nước ta cũng đã xuất hiện thị trường phim nội địa tại các thành phố lớn với sức tiêu thụ khá mạnh, đặc biệt là vào dịp Tết. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn xuất hiện sự mất cân đối; tỷ lệ phim Việt Nam so với phim nước ngoài là 13,%.
Tại 2 hệ thống rạp chiếu tư nhân và rạp Nhà nước có sự chênh lệch về tỷ lệ xem phim. Ở các rạp của Nhà nước, số buổi chiếu phim Việt Nam đạt 31,6%; số lượng người xem phim Việt đạt 1,7 triệu lượt, chiếm tỷ lệ 40%. Còn tại hệ thống rạp tư nhân, nước ngoài và liên doanh thì số lượt người xem phim nước ngoài chiếm 70%; lượng phim Việt được chiếu đạt 34%.
Người xem phim ở rạp chủ yếu là giới trẻ, tập trung hầu hết ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Phim Mỹ, phim Hàn Quốc là phim nước ngoài được khán giả Việt Nam ưa thích nhất, bởi phim có chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt, nội dung hấp dẫn và nhiều ngôi sao. Nam giới đi xem phim nhiều hơn phái nữ...
Hệ thống rạp, cụm rạp chiếu phim ở nước ta hiện nay thuộc sở hữu của Nhà nước nhiều hơn nhưng chủ yếu là các rạp đơn lẻ, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp, hoạt động cầm chừng. Còn với cụm rạp, rạp chiếu của các đơn vị xã hội hóa đều được trang bị hiện đại, hoạt động năng động, hiệu quả cao... Doanh thu từ phim chiếu rạp ở Việt Nam lại rất khả quan, tăng lên đáng kể hàng năm.
Năm 2000 doanh thu đạt 2 triệu USD, đến năm 2010 đã tăng 13 lần, lên đến 26 triệu USD. Năm 2011, con số doanh thu là 35 triệu USD và đến năm 2012 là 47 triệu USD, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài vào điện ảnh ở Việt Nam tăng, nhất là vào hệ thống rạp chiếu, trang thiết bị hiện đại ở các thành phố lớn.
Theo bà Ngô Phương Lan, đầu tư và doanh thu của điện ảnh tăng lên đáng kể theo từng năm, chứng tỏ Việt Nam là thị trường tốt để phát triển công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, nguồn doanh thu này chưa đóng góp gì vào tái đầu tư, hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đã xây dựng đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam nhưng khó khăn nhất đối với sự ra đời, vận hành quỹ là nguồn thu.
Ở các nước trên thế giới, nguồn thu cho Quỹ phát triển điện ảnh thường trích từ doanh thu chiếu bóng, bán phim hoặc thu từ nguồn quảng cáo trên truyền hình. Cục Điện ảnh cũng đã đề xuất trích 3% từ doanh thu chiếu phim nước ngoài và 0,5% đối với phim Việt Nam để đóng góp vào Quỹ phát triển điện ảnh, như vậy mỗi năm quỹ cũng có nguồn thu đáng kể song vẫn chưa thể thực hiện được do vướng các quy định về ngân sách, phí, lệ phí.
Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam được thành lập nhằm thưởng cho các tác phẩm có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật và hiệu quả xã hội; tài trợ, khuyến khích các bộ phim nghệ thuật, phim tác giả, phim của đạo diễn trẻ tài năng và tái đầu tư cho điện ảnh...
Thanh Giang