Ngày 25/6, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030" với sự tham gia của các thế hệ nghệ sỹ điện ảnh, các Bộ, ngành liên quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trung tâm điện ảnh khu vực phía Bắc. Đây là lần đầu tiên dự thảo Chiến lược do Cục Điện ảnh xây dựng được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Khách xem triển lãm “Điện ảnh Việt Nam - Những chặng đường xây dựng và phát triển” với hơn 200 bức ảnh về những sự kiện, con người và tác phẩm điện ảnh của đất nước trong 60 năm qua. Ảnh: Phương Vy - TTXVN |
Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đánh giá cao những điểm mới, tiến bộ, hiện đại đề ra trong Chiến lược, khẳng định những điểm mới này đã cho thấy sự thay đổi tư duy của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, tạo cơ hội để điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng, mang lại nguồn thu lớn cho điện ảnh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Điểm mới đầu tiên là về tổ chức, sản xuất phim được thay đổi từ quy trình lấy đạo diễn làm trung tâm sang lấy nhà sản xuất phim làm trung tâm đúng theo mô hình quốc tế. Theo đó, các nhà sản xuất phim cần được ưu tiên đào tạo tại các trường đại học trong nước, quốc tế, nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận thị trường.
Một điểm mới khác được đánh giá cao trong Chiến lược là: Nhà nước chỉ đạo, đầu tư sản xuất các tác phẩm chính thống, giàu tính nhân văn và điều tiết việc chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phim về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số, phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Đối tượng đầu tư là tất cả các cơ sở sản xuất phim (nhà sản xuất phim) có tư cách pháp nhân mà không phân biệt hãng nhà nước hay tư nhân. Hai điểm mới nêu trên sẽ góp phần mở ra cơ hội, điều kiện sáng tạo đối với các nhà sản xuất, đạo diễn có khả năng, đam mê điện ảnh thực sự và các dự án phim chất lượng cao, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức, nhất là với các hãng phim nhà nước.
Về công nghệ làm phim hiện đại, nhiều đại biểu nhấn mạnh cần phải nghiên cứu và thực hiện nhanh việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chuyển đổi từ công nghệ sản xuất, phổ biến phim nhựa 35mm sang công nghệ số ở các khâu tiền kỳ, hậu kỳ trong sản xuất phim, hệ thống rạp chiếu phim, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới theo hướng tăng dần về tỷ lệ. Đây là vấn đề cấp thiết, cần thực hiện ngay bởi đến cuối năm 2013, công nghệ sản xuất, phổ biến phim nhựa 35mm sẽ chấm dứt để thay thế bằng công nghệ số, công nghệ cũ này chỉ còn được trưng bày tại bảo tàng. Nếu không bắt kịp xu thế chung về công nghệ của điện ảnh thế giới, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu phổ biến, phát hành phim ra nước ngoài; đó là còn chưa kể việc sản xuất phim bằng công nghệ cũ gặp khó khăn, kinh phí tăng cao...
"Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030" cũng đề cập nhiều tới việc xúc tiến thành lập "Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam". Quỹ này ra đời sẽ góp phần khuyến khích các tác phẩm điện ảnh có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật và hiệu quả xã hội; tài trợ, khuyến khích các phim nghệ thuật, phim tác giả, phim của đạo diễn trẻ tài năng... Nguồn kinh phí cho Quỹ được trích từ doanh thu các phim đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất từ nguồn ngân sách nhà nước; trích từ doanh thu bán vé ở các rạp chiếu, trích từ nguồn thu quảng cáo các chương trình chiếu phim trên truyền hình.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết: Chỉ tính riêng kinh phí trích từ doanh thu bán vé chiếu phim ở các rạp trong cả nước hàng năm cũng sẽ đóng góp cho Quỹ hàng chục tỷ đồng. Năm 2012, doanh thu từ các phòng vé trên cả nước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng; chỉ cần khoản trích 3% đối với phim nước ngoài chiếu tại Việt Nam và 0,5% đối với phim Việt cũng đã đóng góp cho Quỹ khoảng 30 tỷ đồng...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh coi Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là một trong những công cụ quản lý nhà nước hữu ích, yếu tố mang tính đột phá nhằm phát triển nền điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Chiến lược đặt ra hướng phát triển cho điện ảnh Việt Nam trên cơ sở kế thừa những thành tựu của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đồng thời tìm ra bước đi mới, học tập kinh nghiệm các nền điện ảnh trong khu vực và trên thế giới...
Thanh Giang