Trước khi ra mắt màn ảnh rộng, bộ phim bom tấn của hãng DC Comic xuất hiện với tần số dày đặc trên các mặt báo do những trò kỳ quái của chàng diễn viên Jared Leto. Mong muốn “nhập thân” hoàn toàn vào nhân vật, Leto đã cố gắng đến mức vượt quá giới hạn khi nghiên cứu kỹ tâm lý nhân vật. Để vào một vai có tâm thần không ổn định, Leto xem những đoạn băng ghi lại những cảnh tội phạm bạo lực dã man, tàn bạo.
Thậm chí ngay cả khi không diễn, anh chàng này có những hành động kỳ quặc hay những điệu cười khả ố khiến tất cả mọi người ở trường quay phải giật mình. Leto gửi cho bạn diễn của mình những món quà “kinh dị” như bao cao su đã sử dụng, lợn chết, chuột, viên đạn... Đạo diễn cùng nhà sản xuất phim thậm chí đã phải mời bác sĩ tâm lí đến tận trường quay để giám sát cũng như làm nhiệm vụ giải tỏa tâm lí cho các diễn viên khi đang nhập vai ác nhân.
Gương mặt ám ảnh của tên hề bệnh hoạn Joker do Jared Leto thủ vai. |
Tuy nhiên, Leto là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy việc nhập thân hoàn toàn vào vai diễn không đồng nghĩa với một màn trình diễn giỏi cũng như chất lượng tạo nên một tác phẩm hay. Khi lên sóng, phần diễn của Leto bị cắt khá nhiều, nhiều người hâm mộ còn bày tỏ cái hay của Joker không được khắc họa một cách rõ nét. Đạo diễn bộ phim chia sẻ, chỉ thú vị thôi thì chưa đủ để đảm bảo cho các trường đoạn xuất hiện trên phim. Phim còn bị đánh giá là ngang ngửa thảm họa “Người nhện siêu đẳng 3” hay “Biệt đội siêu anh hùng 3”. Nhưng kể từ khi ra mắt, “Biệt đội cảm tử” vẫn luôn đứng đầu top phim có doanh thu cao nhất Bắc Mỹ. Rõ ràng đối với Hollywood, chỉ cần có nhiều câu chuyện bên lề hấp dẫn là cũng đủ để dàn diễn viên cùng bộ phim gây chú ý từ dư luận.
Trong hàng chục năm qua, đặc biệt là sau cú chuyển mình nổi tiếng của nam diễn viên Robert De Niro khi phải tăng 27 kg và học cách đấm bốc thực sự trong Ragging Bull (1980) với một giải thưởng danh giá Oscar, diễn xuất nhập tâm trở thành một phương pháp quan trọng mà nhiều diễn viên áp dụng trên con đường tìm kiếm vinh quang cho mình. Những nam diễn viên như Daniel Day-Lewis, Philip Seymour Hoffman, Christian Bale, và mới đây nhất Leonardo DiCaprio bày tỏ họ phải đánh mất bản thân để biến thành nhân vật trong phim.
Diễn xuất nhập tâm xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 do một triết học gia điện ảnh người Nga Konstantin Stanislavski hình thành. Người ta vẫn thường gọi đó là cách diễn “theo hệ Stanislavski”. Kỹ năng diễn xuất này buộc diễn viên phải tự mình tìm kiếm trải nghiệm cảm xúc cá nhân như nhân vật trong phim. Rất nhiều trường hợp, diễn viên phải sao chép các đặc tính của nhân vật để làm mình giống hơn. Những người luyện tập cực đoan thậm chí còn bỏ đói bản thân, không ngủ, cô lập mình với những người xung quanh để tìm cảm xúc.
Diễn xuất nhập tâm được xem là kỹ thuật diễn xuất “tối thượng”, đỉnh cao trong diễn xuất, song để đạt được “cảnh giới” này, không ít diễn viên phải trả giá bằng chính sức khỏe, tinh thần và cả tính mạng của mình.
Nam diễn viên trẻ nhất thắng giải Oscar Adrien Brody vì muốn nhập tâm thể hiện một anh chàng Do Thái bị mất tất cả, gia đình, bạn bè trong bộ phim “The Pianist” đã nguyện ý bỏ nhà, bán xe, cắt đứt liên lạc với người thân và xách ba lô đi tới châu Âu. Cao 1m 90 nhưng do nhân vật trong phim không được ăn uống đầy đủ, nên Brody đã phải tự bỏ đói mình 6 tuần liền để giảm liền 13 kg, xuống thân hình “cò hương” 58 kg. Brody thừa nhận anh phải mất nửa năm mới thoát ra khỏi nhân vật sau khi đóng máy.
Một trường hợp xấu số được cộng đồng người hâm mộ điện ảnh biết đến là nam diễn viên tài năng Heath Ledger. Khi thể hiện vai phản diện Joker, không ít lần Ledger chia sẻ với đồng nghiệp và báo giới về việc anh bị ám ảnh bởi vai diễn này. Cộng với việc mất ngủ thường xuyên, có tiền sử sử dụng thuốc, dường như nhân vật Joker đã thâm nhập vào đầu óc của nam diễn viên khiến anh có những biểu hiện trầm cảm và hành động lệch lạc. Có thể sự loạn trí đã ít nhiều khiến Ledger có những hành động bột phát nguy hại mà không ý thức được, dẫn đến vụ tự tử của nam tài tử.
Quay trở lại với nam diễn viên Leto, nhiều người cho rằng không thể lôi phương pháp diễn xuất ra để ngụy biện cho những hành vi khủng bố tinh thần người khác. Cách diễn “theo hệ Stanislavski” chỉ đơn thuần là công cụ để kết nối bản thân người diễn với nhân vật một cách hài hòa chứ không phải là giấy phép cho một người hành động như một kẻ vô lại và khiến người xung quanh giật mình thon thót vì những trò đùa bệnh hoạn.