Ba
nhạc sỹ tài năng Đoàn Chuẩn - Trịnh Công Sơn và Phú Quang sẽ hội ngộ
trong đêm nhạc mang tựa đề “Màu nắng hay là màu mắt em”, sẽ diễn ra tại
Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/10, với sự góp mặt của ba mỹ nhân Hồng
Nhung, Cẩm Vân, Mỹ Tâm. Chương trình là món quà ý nghĩa dành tặng ngày
Phụ nữ Việt Nam.
Những
tình khúc của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn đã được rất nhiều ca sĩ thể hiện
thành công, trong đó có diva Hồng Nhung, Cẩm Vân. Hai giọng ca tài danh
này lâu nay đã luôn tạo cho khán giả một cảm xúc say đắm, nồng nàn khi
họ thả hồn mình hoà quyện vào những ca từ quyến rũ như tiếng lòng của
Đoàn Chuẩn. Và lần này, với mong muốn thể hiện được nhiều dòng nhạc, nữ
ca sỹ Mỹ Tâm cũng đã hát nhạc xưa với nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn như “một
cuộc dạo chơi”, tạo sự tươi mới, đầy thú vị cho khán giả yêu nhạc.
Cô gái Hà Nội sẽ hát về mùa thu Hà Nội. |
Với
nhạc Trịnh, diva Hồng Nhung, nữ ca sỹ xa Hà Nội khi tuổi vừa đôi mươi
vào với cái nắng, cái gió sự vồn vã của con người phương Nam, đã gắn bó
với Trịnh Công Sơn như định mệnh. Nhạc Trịnh đã thành một phần trong kho
nghệ thuật riêng của Hồng Nhung. Đa phần ở sân khấu nào, Hồng Nhung
xuất hiện cũng cùng với một hoặc hai nhạc phẩm của Trịnh. Đó là cách để
Bống Hồng Nhung nhắc nhớ đến một người anh, một người bạn thân đến nỗi
“không biết gọi là gì”. Hồng Nhung hát nhạc Trịnh bằng tất cả những gì
đắm say, yêu thương nhất. Trong chương trình này, Hồng Nhung hát "Ru em
từng ngón tay nồng", "Tuổi đá buồn", "Bống không là bống"…
Còn
với Phú Quang, Hồng Nhung cũng là một giọng ca được sự ưu ái trong vị
trí đêm nhạc của ông. Hồng Nhung, một người Hà Nội đi xa khi trở về với
nỗi khắc khoải nhớ những ngõ nhỏ, phố nhỏ, ngân lên khúc ca "Em ơi Hà
Nội phố" như một luyến nhớ của người đi xa mong được về chạm tay vào
những kỷ niệm rêu phong. Hồng Nhung hát nhạc Phú Quang bằng tất cả xúc
cảm nhớ nhung, da diết nhất. Đó là nỗi nhớ Hà Nội được gọi thành tên
luôn thân quen mà mới lạ.
Cẩm Vân vẫn luôn đằm thắm trên sân khấu. |
“Tiếng
hát đã có thể cất lên để nuôi lớn những ước mơ”,ca sỹ Cẩm Vân đã chia
sẻ như vậy khi hát và gắn bó kỷ niệm tuổi thơ với nhạc Trịnh.Chị được
khán giả gắn tên với nhiều ca khúc của Trịnh như "Huế- Sài Gòn- Hà Nội",
"Xin mặt trời ngủ yên", "Huyền thoại mẹ", "Như cánh vạc bay"… vậy nhưng
cũng giống như nhiều người bước chân vào “vườn âm nhạc Trịnh” Cẩm Vân
cũng chỉ: “Cho tôi xin được làm người “ăn theo” trong những tác phẩm âm
nhạc bất hủ của anh Trịnh Công Sơn. Cho đến tận bây giờ những ca khúc
của anh không bao giờ cũ. Sức lôi cuốn về giai điệu và ca từ của Trịnh
Công Sơn mãi mãi vẫn còn. Có rất nhiều ca khúc của anh luôn làm tôi xúc
động. Tôi thật hạnh phúc khi hát được nhạc của anh và đã được công chúng
yêu mến.
Qua
"Huế - Sài Gòn - Hà Nội", chắc chắn người nghe đầu tiên đến với ca khúc
này là đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn sau đó mới là yêu thích tiếng hát
của Cẩm Vân... chút xíu thôi”! Trong “Màu nắng hay là màu mắt em” Cẩm
Vân hát những tình khúc của Trịnh như "Sóng về đâu", "Rừng xưa đã khép"…
Cùng với đó, dù không phải là tiếng hát gắn bó nhiều với nhạc Phú
Quang, nhưng "Lãng đãng chiều đông Hà Nội", "Em ơi Hà Nội phố"… cất lên
với tiếng hát Cẩm Vân vẫn khiến khán giả xao lòng. Cẩm Vân hát bằng
giọng ca giàu cảm xúc, diễn tả nội tâm và chạm tình cảm của khán giả.
Mỹ Tâm thử sức với nhạc của Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn và Phú Quang. |
Một
sự trong sáng, tươi mới, trẻ trung nói theo ngôn từ của nhạc sỹ Phú
Quang là sự xuất hiện của nữ ca sỹ Mỹ Tâm. Họa mi tóc nâu hát nhạc Trịnh
hay nhạc Phú Quang không theo những chuẩn mực cũ. Mỹ Tâm hát bằng sự
cảm nhận tinh tế của một giọng hát giàu cảm xúc, điêu luyện kỹ thuật.
Hát được nhạc Trịnh và được khán giả ủng hộ cũng được coi là một sự cố
gắng tập luyện rất nhiều của Mỹ Tâm. Mỹ Tâm cũng đã hát "Đêm thấy ta là
thác đổ" được khán giả đánh giá cao.
Chính
nhạc sỹ Phú Quang cũng chia sẻ:“Tôi thấy Mỹ Tâm hát nhạc của mình hồn
nhiên, mộc mạc. Cô ấy không phải "diva, đi vấp" để gồng mình lên hát”.
Và lần này Mỹ Tâm lại hứa hẹn tạo ra một nốt thăng trong đêm nhạc“Màu
nắng hay là màu mắt em” với các nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn-Trịnh Công Sơn-
Phú Quang.
A.M